CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Uniswap là gì? Có nên đầu tư vào đồng coin UNI trong tương lai?

    19 Phút
    Cập nhật 28/06/2023 03:06

    Sau sự sụp đổ của đế chế FTX, các sàn giao dịch phi tập trung vô tình lại trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư (NĐT). Và một tượng đài đời đầu trong phân khúc các sàn giao dịch tập trung này là Uniswap. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu chi tiết đến các bạn về sàn Uniswap cũng như những đặc điểm nổi trội của nó.


    1. Tổng quan về Uniswap

    Uniswap là một sàn giao dịch phi tập trung (sàn DEX) được xây dựng trên blockchain Ethereum, cung cấp cho người dùng một công cụ để tự do hoán đổi giữa các loại tiền điện tử với nhau một cách liền mạch và nhanh chóng.


    Trước hết, Uniswap có toàn bộ những đặc điểm cơ bản của một sàn DEX thông thường. Nghĩa là nó là một nền tảng phi tập trung, không yêu cầu người dùng tạo tài khoản và KYC để giao dịch. Nó không nắm giữ tiền và tài sản (NFT) của người dùng. Thay vào đó nó trao quyền cho người dùng tự quản lý tài sản của chính mình.


    Với Uniswap, người dùng có thể thực hiện hoán đổi (swap) từ loại tiền điện tử A sang loại tiền điện tử B. Để làm được điều này, Uniswap sử dụng mô hình AMM (Automated Market Maker). Nó sử dụng các nhóm thanh khoản (Liquidity pool) thay vì sử dụng hình thức sổ lệnh (Order book). Điều này cho phép các giao dịch có thể diễn ra một cách liền mạch hơn so với hình thức thông thường.


    Nền tảng này được ra đời từ năm 2018. Theo dữ liệu mình ghi nhận từ CB Insights, dự án đã kêu gọi được tổng cộng 178.83 triệu USD. Vòng gần đây nhất và cũng có giá trị lớn nhất diễn ra vào ngày 13/10/2022 với giá trị lên đến 165 triệu USD (Series B) với sự tham gia của một số nhà đầu tư nổi danh trong lĩnh vực này như a16z Crypto, Paradigm... 


    Thời điểm ra mắt, Uniswap được phát triển trên chuỗi gốc Ethereum. Tuy nhiên, tính đến thời điểm mình viết bài này, Uniswap đã vươn rộng ra 6 chain khác gồm Ethereum, Polygon, Arbitrum, Optimism, Celo và BSC. Theo dữ liệu mình ghi nhận từ DefiLlama, tổng giá trị bị khóa (TVL) của Uniswap hiện ở mức 4.08 tỷ USD với 3 phiên bản v1, v2 và v3.


    TVL của Uniswap

    TVL của Uniswap. Nguồn: DefiLlama

    2. Đội ngũ phát triển của Uniswap

    Dự án Uniswap được phát triển dưới dạng mã nguồn mở (open source). Điều đó có nghĩa là phần mã nguồn của dự án (code) được công bố công khai và nó được xây dựng bởi nhiều nhà phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả những nhà phát triển ẩn danh. Tuy nhiên, khởi nguồn cho sự ra đời của giao thức Uniswap là Hayden Adams. Anh là Founder và hiện vẫn đang giữ chức vụ CEO của dự án.


    Theo một số thông tin được ghi nhận, Hayden Adams là một kỹ sư máy tính đến từ New York. Sau khi tốt nghiệp đại học, Adams là kỹ sư tại Siemens. Adams đã đăng ký tham gia chương trình tài trợ của Ethereum Foundation và giành được giải thưởng 65,000 USD.


    Hiện tại, giao thức Uniswap được quản lý bởi Uniswap Labs. Đây là một startup trong lĩnh vực DeFi. Đến tháng 8/2022, cộng đồng đã vote (bỏ phiếu) để thành lập Uniswap Foundation nhằm củng cố cộng đồng xung quanh việc quản lý ngân quỹ của nó.


    3. Uniswap ra đời nhằm giải quyết vấn đề gì?

    Trong vài trò một sàn giao dịch, Uniswap là nơi để người dùng có thể sử dụng một loại tiền điện tử để đổi lấy một loại tiền điện tử khác. Nó tương tự như việc bạn dùng tiền điện tử để mua tiền điện tử trên các sàn tập trung vậy. Tuy nhiên, bản thân các sàn DEX nói chung và Uniswap nói riêng hướng đến việc giải quyết một số nhược điểm của sàn CEX như sau:


    • Tính bảo mật: Đặc điểm của các sàn CEX là nắm và lưu giữ tài sản của người dùng ở trên sàn. Nếu như sàn gặp sự cố về bảo mật (như bị hack) hoặc mất khả năng thanh khoản dẫn đến phá sản (như trường hợp của FTX) thì tài sản của người dùng có nguy cơ bị mất. Do đó, các sàn DEX như Uniswap không lưu giữ tài sản của người dùng. Nó chỉ cung cấp một nền tảng để người dùng giao dịch mà thôi.


    • Quyền riêng tư: Tất cả các sàn CEX đều yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân như email/số điện thoại… để tạo tài khoản giao dịch và yêu cầu thực hiện KYC (Xác minh danh tính) theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền. Các sàn DEX như Uniswap không yêu cầu người dùng phải tạo tài khoản để có thể giao dịch. Họ cho phép người dùng giao dịch khi chỉ cần kết nối các ví không lưu trữ của họ vào nền tảng.


    • Vấn đề thanh khoản: Đối với mô hình CEX, để một giao dịch được thực hiện sẽ cần có sự kết hợp giữa lệnh mua và lệnh bán. Nếu như mức giá giữa lệnh mua/bán cách xa nhau (bid) hoặc chênh lệch giữa cung và cầu khiến giao dịch khó thực hiện. Uniswap sử dụng mô hình AMM, tạo ra các pool có sẵn nên bất kỳ lúc nào người dùng cũng có thể tiến hành swap sang đồng coin họ muốn mà không cần quan tâm đến nhu cầu của bên bán.


    4. Hệ sinh thái của Uniswap

    Bạn hãy tưởng tượng DeFi là một lĩnh vực rộng lớn. Người ta sẽ cần phải chuyển đổi từ loại tiền điện tử này sang loại tiền điện tử khác để có thể sử dụng trong từng giao thức khác nhau. Và để thu hút thêm người dùng, các sàn giao dịch tiền điện tử được ví như cửa ngõ dẫn dòng tiền vào lĩnh vực này.


    Một phần hệ sinh thái Uniswap

    Một phần hệ sinh thái Uniswap


    Trải qua hơn 5 năm hình thành và phát triển, Uniswap đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái đa dạng với nhiều giải pháp, ứng dụng phi tập trung (Dapp) được xây dựng trên nó. Cụ thể, chúng ta có thể gom nhóm chúng lại thành một số hạng mục chính như sau:


    • Công cụ (tool): Đây là các giải pháp mang đến những công cụ để người dùng có thể giải quyết một vấn đề nào đó như nền tảng quản trị, phân tích thanh khoản… Một số cái tên phổ biến trong phân khúc này như The Graph, Snapshot, Boardroom…


    • Ví (Wallet): Đây là các dạng ví không lưu ký (Non custodial wallet) tương thích và hỗ trợ Uniswap ví dụ như MetaMask, Coinbase Wallet hay Coin98


    • Dapp: Là các giải pháp, nền tảng giúp người dùng thực hiện một tính năng nào đó, ví dụ như nền tảng vay và cho vay tiền điện tử Aave hoặc Compound


    • Aggregator: Đây là các công cụ tổng hợp hỗ trợ người dùng tìm kiếm và phát hiện các nền tảng sàn DEX cung cấp mức phí hoán đổi phù hợp nhất. Một vài cái tên trong danh mục này như 1inch hay Paraswap…


    5. Sự phát triển của Uniswap trong những năm gần đây

    Tính từ khi ra mắt cho đến nay, Uniswap đã cho ra mắt 3 phiên bản khác nhau. Mỗi phiên bản mang đến một loạt các nâng cấp mới nhằm đưa đến những trải nghiệm nhất quán cho người dùng. Nếu như phiên bản Uniswap ban đầu chỉ đơn thuần dừng lại ở việc hỗ trợ người dùng hoán đổi tiền điện tử thì xét đến phiên bản Uniswap v3 đã cho thấy những sự thay đổi lớn. Cụ thể là gì, hãy cùng xem nhé.


    Uniswap v1

    Phiên bản này chỉ hỗ trợ hoán đổi 20 cặp ETH/ERC. Điều này có nghĩa là nếu người dùng muốn thực hiện hoán đổi các cặp giao dịch khác ngoài danh sách trên, hoặc là họ sẽ không thể thực hiện được, hoặc là họ sẽ phải thực hiện hoán đổi qua nhiều vòng, từ đó dẫn đến tốn kém chi phí. 


    Ở phiên bản v1 cũng bắt đầu xuất hiện khái niệm Liquidity Provider token (LP token). Đây là những token được phân bổ cho những người cung cấp thanh khoản cho giao thức. Chúng ta có thể hiểu đây đóng vai trò như một dạng giấy nợ vậy. Khi người dùng rút thanh khoản ra khỏi pool, họ sẽ phải trả lại các LP token này.


    Uniswap v2

    Hạn chế lớn của Uniswap v1 là không có các pool cho các mã thông báo ERC-20/ERC-20 (ERC-20 là chuẩn mã thông báo trên mạng Ethereum. Về cơ bản mỗi mạng sẽ có những chuẩn token của riêng nó. Ví dụ Ethereum là ERC-20, BSC sẽ có BEP-20…). Uniswap v2 ra mắt giúp hạn chế việc tăng phí cũng như trượt giá khi người dùng swap giữa các token ERC-20 thông qua các pool kể trên. 


    Uniswap v3

    Uniswap v3, khi so sánh với v1 và v2, có độ chính xác và hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn. Hơn nữa, cấu trúc phí rất linh hoạt. Các nhà cung cấp thanh khoản có thể nhận được lợi nhuận cao từ vốn của họ và cung cấp thanh khoản. Mục đích chính của Uniswap v3 là vượt qua các AMM dựa trên stablecoin và các sàn CEX bằng cách tạo điều kiện thực hiện giao dịch có độ trượt giá thấp.


    Những thông tin cơ bản về Uniswap coin


    Ngay từ đầu bài viết mình đã chia sẻ rằng Uniswap coin (UNI) được xuất hiện theo một cách khá ấn tượng thời điểm đó. Dự án đã airdrop UNI token cho những người dùng thực hiện giao dịch, tương tác với nền tảng trước thời điểm tháng 9/2020. Thời điểm đó, những địa chỉ ví đủ điều kiện sẽ nhận được airdrop 400 UNI token. 


    Dự án tuyên bố sẽ có tổng cung tối đa chỉ 1 tỷ UNI. Đương nhiên, vì là một sản phẩm được phát triển trên mạng Ethereum nên UNI tuân theo chuẩn ERC-20. Điều này có nghĩa là nó có thể được lưu trữ trên các ví có hỗ trợ chuẩn này như MetaMask, MyEtherWallet…


    Thông tin về UNI token

    Thông tin về UNI token. Nguồn: CoinGecko


    Tại thời điểm mình viết bài này, tổng cung đang lưu hành ngoài thị trường vào khoảng gần 754 triệu UNI. Số lượng còn lại hiện được khóa trong các ví dành cho quỹ cộng đồng, team, advisor… Nó sẽ có kế hoạch mở khóa cụ thể để đảm bảo nguồn cung không chảy ồ ạt ra ngoài thị trường, gây ra các tác động tiêu cực đến giá. 


    Lượng token UNI unlock hàng ngày từ quỹ cộng đồng

    Lượng token UNI unlock hàng ngày từ quỹ cộng đồng. Nguồn: Token Unlock


    Theo ghi nhận của mình từ nền tảng Token Unlock, mỗi ngày sẽ có khoảng hơn 117 ngàn UNI được mở khóa từ quỹ cộng đồng và khoảng hơn 219 ngàn UNI được mở khóa cho team, advisor…


    Là một trong những token gốc của một nền tảng sàn DEX lớn nhất nhì trên thị trường hiện nay, UNI token được niêm yết trên nhiều sàn giao dịch khác nhau, bao gồm cả CEX và DEX. Theo dữ liệu từ CoinGecko, một vài cái tên phổ biến như Binance, OKX, MEXC…


    6. Đánh giá Uniswap coin trong năm 2022? Có nên đầu tư UNI Token 2023?

    Giá Uniswap coin và hiệu suất đầu tư đồng UNI trong năm 2022

    Như chúng ta đã biết UNI là token gốc của giao thức Uniswap. Nó được sử dụng như một token quản trị (Governance token), cho phép chủ sở hữu bỏ phiếu về các thay đổi đối với giao thức và tham gia vào quá trình ra quyết định của nó. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng làm mã thông báo tiện ích (Utility token) trong nền tảng Uniswap, cho phép người dùng truy cập một số tính năng và dịch vụ nhất định.


    Biến động giá UNI hiện tại và thời điểm ATH

    Biến động giá UNI hiện tại và thời điểm ATH. Nguồn: athcoinindex


    Tại thời điểm mình viết bài này, giá UNI token hiện được giao dịch ở mức 5.43 USD. Vào đầu năm 2022, giá UNI được giao dịch ở mức 17.1 USD. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là mức giá cao nhất (ATH) mà nó đã từng đạt được. Theo ghi nhận từ athcoinindex, nếu tính ở mức giá hiện tại so với ATH, UNI đã mất hơn 87% giá trị.


    Giá UNI đầu năm 2022

    Giá UNI đầu năm 2022. Nguồn: CoinMarketCap


    Xét riêng cho năm 2022, hãy cùng xem nếu như bạn đầu tư UNI token thì hiện tại tỷ lệ lãi/lỗ sẽ như thế nào nhé. Theo dữ liệu hồi tố từ CoinMarketCap, mức giá UNI ghi nhận vào ngày 02/1/2022 ở mức 18.37 USD. Kéo nhanh đến ngày 25/12/2022, giá UNI được ghi nhận ở mức 5.15 USD.


    Giá UNI ngày 25/12/2022

    Giá UNI ngày 25/12/2022. Nguồn: CoinMarketCap


    Sự sụt giảm giá này đến từ những ảnh hưởng của “mùa đông tiền điện tử” trong năm 2022. Không chỉ riêng UNI, hàng loạt các đồng coin khác như Polygon, Chainlink hay thậm chí Bitcoin cũng giảm mạnh. Hơn nữa, sự sụp đổ của đế chế FTX dịp cuối năm khiến hàng loạt các nhà đầu tư mất tiền, tâm lý hoảng loạn bao trùm cũng đã góp phần không nhỏ cho động thái giảm mạnh này. Như vậy, nếu đầu tư và giữ UNI token chỉ trong năm 2022 thì các NĐT đang gánh chịu một khoản lỗ khổng lồ.


    Vậy có nên đầu tư đồng UNI trong tương lai?

    Thật khó để có thể đưa ra một lời khuyên chính xác về việc nên hay không nên đầu tư vào UNI token. Bởi lẽ, nó sẽ phụ thuộc vào vị thế, tầm nhìn cũng như niềm tin của mỗi người về dự án. Nếu bạn là một người mua UNI đầu năm 2022, có thể bạn sẽ nghĩ đây sẽ là một khoản đầu tư tồi. Nhưng nếu bạn sở hữu UNI từ thời điểm nó ra mắt, với giá vào khoảng 1.03 USD vào ngày 17/9/2020 (theo CoinGecko) thì ở mức giá hiện tại bạn vẫn đang có lãi hơn 420%.


    Nhưng so với các dự án khác tương tự thì Uniswap có những lợi điểm hơn hẳn. Điều này có thể sẽ là những tín hiệu tích cực nếu bạn đang cân nhắc xem UNI như một khoản đầu tư dài hạn. Cụ thể:


    Thứ nhất, Uniswap hiện tại vẫn là “vua” của các loại DEX. Quan sát dữ liệu từ Dune Analytics bạn sẽ thấy, xét về khía cạnh khối lượng giao dịch trong 7 ngày gần nhất thì Uniswap hiện chiếm tới gần 62% thị phần. Vị trí số 2 và 3 lần lượt là Pancakeswap và Sushiswap.


    Thị phần Uniswap chiếm khoảng 62%

    Thị phần Uniswap chiếm khoảng 62%. Nguồn: Dune


    Thứ hai, Uniswap có lợi thế hơn hẳn về tính thanh khoản so với các giải pháp khác. Theo báo cáo của Grayscale, Uniswap đã đánh dấu sự tăng trưởng và hiệu suất ấn tượng trong thị trường giá xuống. Theo đó, tính thanh khoản trên các cặp stablecoin cũng cao hơn so với các sàn giao dịch tập trung, trong đó Uniswap có tính thanh khoản cao hơn gần 5.5 lần so với Binance.


    Thứ ba, Uniswap đang hướng đến tương lai đa chuỗi. Nó không chỉ gói gọn trong hệ sinh thái Ethereum như trước kia nữa. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các NĐT tiếp cận thị trường, qua đó góp phần đẩy mạnh sự phát triển cho giao thức.


    7. Lời kết

    Uniswap là một trong những DEX đời đầu của thị trường tiền điện tử. Màn ra mắt ấn tượng kết hợp với việc đưa đến một giải pháp mới, giải quyết nhu cầu của các NĐT khiến cho nó trở thành một trong những công cụ hàng đầu khi người dùng chọn lựa. 


    Mặc dù giờ đây có nhiều đối thủ cạnh tranh với các mô hình mới lạ và cải tiến hơn nhưng bản thân Uniswap cũng đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái đủ mạnh.


    Xét về khía cạnh này UNI có thể là một khoản đầu tư tốt với nhiều người. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những dự đoán mang góc nhìn cá nhân. Nếu bạn yêu thích UNI hay bất kỳ đồng coin nào khác, cách tốt nhất để hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra là tự mình tìm hiểu thật kỹ về dự án cũng như những biến động liên quan đến nó.


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Bài viết này có hữu ích với bạn không?
    Các bài viết liên quan
    Ad