CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Nợ xấu (Non-Performing Loans) là gì? Vì sao cần chú ý đến nợ xấu khi quyết định đầu tư?

    8 Phút
    Cập nhật 15/03/2024 01:43
    Nhóm Mitrade


    Việc cấp tín dụng luôn gắn liền với vấn đề nợ quá hạn, do đó, để đầu tư thông minh và hiệu quả, việc hiểu rõ về nợ xấu là điều rất cần thiết. Bằng việc có cái nhìn chuẩn xác về diễn biến nợ xấu, phương pháp quản lý tín dụng của ngân hàng và tình hình hoạt động của tổ chức, một người có thể nắm được các dữ liệu có giá trị để làm căn cứ cho quyết định đầu tư.

    Qua bài viết này, chúng ta sẽ phân tích kỹ tác động của nợ xấu đối với ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như xem xét vấn đề nợ xấu ảnh hưởng thế nào đến quyết định đầu tư. Bằng cách hiểu rõ về các khía cạnh này, người đọc sẽ có tầm nhìn toàn diện và trở nên khôn ngoan hơn trong việc  tham gia thị trường đầy rẫy thách thức và chông gai. 

    1. Giới thiệu


    ֎ Nợ xấu là gì? 

    Nợ xấu (Non-Performing Loans) hay nợ quá hạn, nợ khó thu hồi là loại nợ mà bên vay tiền thiếu năng lực hoặc không có ý định trả lại số tiền đã vay. Điều này diễn ra khi bên vay tiền không trả đủ gốc và lãi của khoản nợ đúng hạn hoặc không tuân theo những điều khoản của hợp đồng vay. 


    Nợ xấu là loại rủi ro nghiêm trọng trong ngành ngân hàng, vì nó gây thiệt hại tài chính lớn đối với người cho vay, cùng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Do đó, để giảm thiểu nợ quá hạn, các khoản vay thường được thẩm định bằng nhiều quy trình phức tạp và đi kèm cơ chế kiểm soát rủi ro bằng tài sản thế chấp.

    ֎ Phân loại nợ ở Việt Nam

    Ở Việt Nam, việc phân loại nhóm nợ được tiến hành dựa vào quy định của Ngân hàng Nhà nước và phụ thuộc vào năng lực trả nợ của đối tượng vay tiền.


    - Nợ tiêu chuẩn (nhóm 1): Đây là khoản vay vẫn đang thực hiện đúng yêu cầu về thanh  toán gốc lãi. Nó không phát sinh rủi ro nào nghiêm trọng và nếu có phát sinh nợ quá hạn thì luôn dưới 10 ngày. Trong bối cảnh này, ngân hàng chỉ cần theo dõi hợp đồng vay nhằm chắc chắn nó sẽ không phát sinh vấn đề.

    - Nợ cần chú ý (nhóm 2): Khoản vay sẽ thành nợ nhóm 2 nếu như người vay quá hạn trả gốc hoặc lãi trên 10 ngày và dưới 30 ngày. Đây được coi là điềm báo cho thấy dòng tiền thu nhập của người đi vay gặp vấn đề và ngân hàng phải giám sát kỹ lưỡng hơn, cũng như dành ra số tiền tương đương 5% giá trị khoản vay để dự phòng rủi ro.

    - Nợ dưới chuẩn (nhóm 3): Khi khoản nợ quá hạn thanh toán từ 30 đến 90 ngày, nó được xếp vào nhóm 3. Điều này chứng minh người đi vay đang đã gặp vấn đề về tài chính. Ngân hàng vì thế cũng phải dành ra số tiền bằng 20% giá trị khoản vay cho dự phòng rủi ro và tập trung hơn vào hoạt động thu hồi nợ.

    - Nợ nghi ngờ (nhóm 4): Khi thời gian quá hạn trả nợ từ 90 đến 180 ngày, khoản nợ đó rơi vào nhóm 4. Tại thời điểm này, năng lực thanh toán của người đi vay đã chạm mức báo động. Ngân hàng lúc này phải có phương án thu hồi nợ nhanh chóng do số tiền cần cho dự phòng đã lên tới 50% giá trị khoản nợ.

    - Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5): Khoản vay sẽ thành nợ nhóm 5 nếu như người đi vay không thể trả được gốc lãi quá hạn trên 180 ngày. Sức khỏe tài chính của bên vay đã trở nên rất xấu và không thể tìm ra dòng tiền để hoàn trả nợ. Ngân hàng lúc này cũng cần chấp nhận rằng họ khó có thu hồi được vốn và phải dự phòng số tiền bằng đúng 100% khoản vay.


    2. Tình hình nợ xấu ở Việt Nam và thế giới


    ☼ Tại Việt Nam 

    Tính đến hết quý 1 năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3% ở 7 ngân hàng. Mức độ nợ xấu toàn ngành tăng thêm 23% so với quý trước đó và hiện tại cao hơn gần 2% so với giai đoạn trước dịch Covid-19, qua đó nợ nhóm 3 – 5 tăng nhanh hơn nợ nhóm 2. Lý do đằng sau việc này là do tình trạng kinh tế bất ổn và môi trường lãi suất cao đã khiến người vay vốn chịu áp lực trả lãi lớn nhưng không thể mở rộng kinh doanh. 

    Tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam hiện đang tập trung nhiều ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ do đây là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất trong giai đoạn khó khăn kinh tế. Ngoài ra, ngành chịu thiệt hại lớn nhất hiện nay được cho là bất động sản khi dòng tiền bán hàng của nhiều công ty gần như đã giảm đến trên 90% so với năm 2021, khiến họ phải xin gia hạn trả nợ ở các ngân hàng. Ngành bất động sản hiện chiếm khoảng 21% dư nợ vay trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

     

    Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam hết quý 1 năm 2023

    Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam hết quý 1 năm 2023 (Nguồn: VietstockFinance)


    ☼ Trên thế giới


    Theo S&P Global, diễn biến nợ quá hạn sẽ trầm trọng hơn tại các ngân hàng châu Âu vào năm 2023, phần lớn phát sinh ở doanh nghiệp, do áp lực từ lãi suất và giá cả nguyên liệu đều tăng khiến họ không thể mở rộng sản xuất và có thêm dòng tiền trả nợ.


    Những ngành được cho là nhiều thách thức nhất tại châu Âu là bất động sản thương mại do chi phí xây dựng leo thang nhưng giá bất động sản lại giảm. Nhiều vụ phá sản và vỡ nợ cũng được ghi nhận ở ngành thực phẩm, y tế, giao thông và giáo dục với số lượng tăng gấp đôi so với quý 4 năm 2022. ECB đã đưa ra cảnh báo rằng, thu nhập ngành ngân hàng sẽ suy giảm mạnh trong năm 2023 do bị ăn mòn bởi các khoản trích lập nợ khó đòi.

     

    Tỷ lệ nợ xấu trung bình ở châu Âu tính đến cuối

    Tỷ lệ nợ xấu trung bình ở châu Âu tính đến cuối Q1/2023 (Nguồn: Statista)


    Tình hình cũng tương tự tại Mỹ, nhóm 6 ngân hàng lớn nhất nước này đều đã ghi nhận lợi nhuận sụt giảm từ 17% đến 51% ở quý 2 năm 2023.


    Kể từ năm 2020, vấn đề nợ xấu của Mỹ đã được hạn chế nhờ chính sách kích thích thời kỳ đại dịch và nhiều chương trình hỗ trợ khác. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện đang bắt đầu cảm nhận được hậu quả của môi trường lãi suất cao và lạm phát với vấn đề chi trả nợ của người đi vay. Lợi nhuận của các ngân hàng Mỹ vì thế cũng sụt giảm theo do phải bù đắp lại phần nợ quá hạn này.

     

    Tỷ lệ nợ xấu tại Mỹ từ 2018 đến 2023

    Tỷ lệ nợ xấu tại Mỹ từ 2018 đến 2023 (Nguồn: CEIDATA)


    3. Nguyên nhân làm phát sinh nợ xấu


    Nợ xấu luôn là yếu tố mà các ngân hàng và nhà đầu tư chú trọng do chúng ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính của bên vay và cho vay. Những khoản nợ khó đòi này bắt nguồn từ nhiều lý do như bất ổn kinh tế, lãi suất tăng cao cho đến các vấn đề nội tại của bên vay vốn. 

    ⭐️Suy thoái kinh tế: Khó khăn kinh tế có thể làm giảm mức độ chi tiêu, tăng tỷ lệ thất nghiệm và kinh doanh kém hiệu quả. Những khía cạnh này tạo ra ảnh hưởng to lớn đến năng lực trả nợ của người vay và có thể dẫn đến nợ xấu.

    Ví dụ, kinh tế khó khăn đã làm đóng băng ngành bất động sản của Việt Nam vào năm 2022, qua đó hàng loạt công ty trong ngành không thể thu về dòng tiền từ bán hàng để tiếp tục xây dựng và thanh toán gốc lãi với chủ nợ. 

    ⭐️Các vấn đề cụ thể của ngành: Một số ngành đôi khi gặp phải những thách thức riêng do tiến bộ công nghệ, hành vi khách hàng thay đổi hoặc nhu cầu tăng giảm thất thường. Điều đó có thể làm ảnh hưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, dẫn tới thách thức tài chính và quá hạn nợ ngân hàng.

    Ví dụ, những doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đang dần chuyển qua kinh doanh trực tuyến để phục vụ nhu cầu mới phát sinh của khách hàng. Điều này khiến những người cho thuê mặt bằng để kinh doanh gặp khó khăn do phương thức buôn bán trực tiếp đã không còn phổ biến như trước. 


    ⭐️Quản lý yếu kém và gian lận: Các vấn đề nội bộ như sự yếu kém của doanh nghiệp, tình trạng tham nhũng hoặc lừa đảo có thể làm công ty kiệt quệ tài chính và dẫn quá hạn trả nợ. Ngân hàng đôi khi không nhìn thấy vấn đề này, khiến họ vướng phải rắc rối và nguy cơ khó đòi được nợ từ khách hàng.

    Ví dụ: Sự sụp đổ tập đoàn xây dựng IL&FS của Ấn Độ vào năm 2019 có nguyên nhân đằng sau là do sự quản lý yếu kém và gian lận nội bộ trong doanh nghiệp, dẫn đến một số ngân hàng phải chịu nhiều khoản nợ xấu lớn của công ty này.


    ⭐️Môi trường chính trị và quy định: Diễn biến chính trị thiếu ổn định và chính sách kinh tế biến đổi khó lường có thể khiến doanh nghiệp khó kinh doanh hiệu quả. Sự bất ổn này khiến họ ít khi nhận được các khoản đầu tư, dẫn đến thiếu dòng tiền thu nhập và gây ra tình trạng không trả được nợ.

    Ví dụ, khi Hy Lạp chìm trong khủng hoảng nợ công trầm trọng vào năm 2010, tình hình chính trị và các quy định điều hành kinh tế tại nước này cũng trở nên bất ổn. Điều đó khiến các doanh nghiệp vấp phải vô số trở ngại trong mở rộng kinh doanh, khiến mức độ nợ xấu cũng trở nên lớn hơn. 


    ⭐️Vay nợ quá mức: Người vay nợ nhiều hơn mức họ có thể chịu đựng hoặc xoay vòng khoản vay nhiều lần thường khiến các nghĩa vụ tài chính dần trở nên quá tải, làm tăng khả năng vỡ nợ.

    Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng bất động sản năm 2007 - 2008 ở Mỹ, sự nới lỏng quy định về tín dụng đã khuyến khích nhiều người lao động thu nhập thấp vay thế chấp để mua nhà bất chấp việc chưa đủ năng lực tài chính. Khi bong bóng bất động sản nổ, rất nhiều người đã không thể chi trả cho các khoản vay thế chấp và biến nó thành nợ xấu. 

    ⭐️Thiên tai và thảm họa: Sóng thần, động đất, bão và nhiều thảm họa thiên nhiên khác tác động to lớn tới tình trạng kinh tế ở những nơi mà nó đã diễn ra. Nó có thể khiến những người bị ảnh hưởng chịu thiệt hại to lớn về tài chính, khiến họ khó chi trả được các khoản nợ.

    Ví dụ: Sau khi cơn bão Katrina tấn công nước Mỹ vào năm 2005, số lượng nợ khó đòi tăng mạnh ở các khu vực bão đi qua do các doanh nghiệp hoạt động tại đây chịu tổn thất to lớn về vật chất và thiếu đi dòng tiền trả nợ.

    ⭐️Biến động tiền tệ: Trong trường hợp đồng tiền nội tệ bị mất giá, những công ty đi mượn tiền bằng ngoại tệ sẽ phải trả nhiều hơn cho khoản vay của mình, dẫn tới gia tăng chi phí và có thể gây nợ quá hạn.

    Ví dụ, khi châu Á nổ ra khủng hoảng vào năm 1997, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia đều gặp phải thách thức trong việc trả nợ nước ngoài do đồng nội tệ của họ có giá trị sụt giảm nghiêm trọng. Tương tự, nếu doanh nghiệp vay vốn từ quốc gia khác, sự sụt giảm giá trị của đồng nội tệ cũng có thể khiến họ phải trả nhiều tiền hơn, tức là nguy cơ nợ xấu lớn hơn.


    Theo sát hơn 400 thị trường tài chính trên sàn Mitrade

    4. Các ảnh hưởng của nợ xấu


    ◆ Đối với nền kinh tế:

    - Suy yếu vai trò của ngân hàng: Ngân hàng là bên trung gian hỗ trợ phân bổ nguồn vốn ra xã hội. Việc nợ xấu tăng sẽ làm sức khỏe tài chính của nó suy yếu, tạo ra tác động xấu tới khả năng tái phân bổ nguồn vốn và thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngân hàng sẽ phải sử dụng lợi nhuận để bù lại những khoản nợ khó đòi, làm giảm lượng tiền có sẵn để cho vay.

    - Giảm chi tiêu: Những doanh nghiệp hoặc cá nhân có nợ xấu sẽ luôn ở trong tình trạng thắt lưng buộc bụng do phải dùng thu nhập để trang trải nợ. Điều này có nguy cơ sẽ làm hạ thấp mức chi tiêu mua sắm trong nền kinh tế, tức là khiến nó thiếu đi động lực phát triển.

    - Kinh tế suy yếu: Nợ xấu cao thường sẽ dẫn tới tình hình kinh tế chung suy yếu. Các công ty có nợ xấu thường sẽ thu nhỏ lại quy mô, hạn chế tuyển dụng nhân sự, hoặc thậm chí giải thể. Nếu vấn nạn này lặp lại đối với quá nhiều công ty, nó sẽ tạo tác động xấu đến môi trường kinh tế chung.


    - Giảm đầu tư: Nợ xấu tăng nhanh sẽ ăn mòn niềm tin của nhà đầu tư do họ lo ngại khoản đầu tư không thể sinh lời hoặc rủi ro mất vốn. Việc thiếu hụt những nguồn đầu tư mới sẽ giới hạn năng lực phát triển và làm kinh tế trì trệ.

    ◆ Đối với nhà tín dụng:

    - Suy giảm lợi nhuận: Để ứng phó với nợ quá hạn, ngân hàng cắt giảm lợi nhuận như một cách để bù đắp. Nợ xấu tăng có nghĩa là lợi nhuận và vốn kinh doanh của ngân hàng cũng sẽ bị xói mòn theo, từ đó cản trở hoạt động tài trợ cho những công ty khác.

    - Đánh mất niềm tin và uy tín: Cổ đông và khách hàng sẽ không còn đặt niềm tin vào đội ngũ ban lãnh đạo nếu họ để nợ xấu tăng mất kiểm soát. Nếu bị khách hàng và cổ đông quay lưng, công việc kinh doanh sẽ lại càng tiếp tục sa sút.

    - Thắt chặt quy định vay vốn: Nợ xấu khó kiểm soát thường khiến các ngân hàng quy định chặt chẽ hơn về quản lý rủi ro tín dụng. Họ có thể đặt ra quy định giải ngân khó khăn hơn, giảm quy mô phát vay cho những khách hàng mới.

    - Sụt giảm giá trị cổ phiếu: Không ai sẽ muốn mua cổ phiếu của một ngân hàng đang có vấn đề về nợ xấu do nó là dấu hiệu của tình trạng kinh doanh yếu kém. Do đó, nợ xấu tăng thường sẽ khiến giá cổ phiếu lao dốc và làm những người nắm giữ chịu thiệt hại lớn.

    ◆ Đối với doanh nghiệp

    - Hạn chế sự phát triển: Nợ xấu tạo áp lực tài chính lên doanh nghiệp, khiến họ phải dùng thu nhập để thanh toán gốc lãi thay vì phát triển dự án mới. Điều này làm trì trệ và hạn chế tiềm năng tăng trưởng của công ty.

    - Suy giảm năng lực vay vốn: Nợ xấu tạo ra vết đen trong lịch sử tín dụng. Ngân hàng thường đề nghị lãi suất cao hoặc ngừng giải ngân cho công ty nếu phát hiện họ có nợ xấu ở tổ chức khác. Kể cả hoạt động thu hút nguồn vốn bằng các kênh như phát hành trái phiếu và cổ phiếu cũng không được hoan nghênh do công ty có điểm tín dụng không cao.

    - Trở ngại trong kinh doanh: Nợ xấu làm khiến công ty trở nên kém uy tín hơn trong mắt đối tác. Nó tạo ra khó khăn trong đàm phán hợp đồng, thỏa thuận kinh doanh do không gây dựng được hình ảnh đẹp với khách hàng.

    - Suy giảm giá trị hoặc phá sản: Trong tình huống nợ xấu không được giải quyết hợp lý, định giá của doanh nghiệp chắc chắn sẽ giảm mạnh và thậm chí tồi tệ hơn còn là phá sản.


    5. Các biện pháp để xử lý nợ xấu


    ۝ Đối với nhà tín dụng

    - Đánh giá và phân loại nợ xấu: Đầu tiên, ngân hàng thường rà soát và phân loại nợ dựa vào khả năng chi trả được gốc lãi. Sự phân loại này giúp tính toán tỷ lệ rủi ro và thiết lập các chiến lược ứng phó thích hợp.


    - Đàm phán và cân nhắc tái cấu trúc: Thay vì tiến hành truy thu nhanh chóng, ngân hàng có thể thảo luận và cân nhắc tái cấu trúc nợ với khách hàng. Những phương pháp cơ cấu thường thấy có thể kể đến như thay đổi điều điều kiện khoản vay, hạ lãi suất, giãn nợ hoặc miễn giảm một phần nợ gốc.

    - Cải thiện cơ chế kiểm soát nợ xấu: Nếu đối mặt tình trạng nợ xấu leo thang, ngân hàng có thể sẽ tập trung hơn vào nỗ lực hạn chế rủi ro tín dụng, bao gồm theo dõi sát sao các khoản nợ và giải quyết nhanh những nguy cơ tiềm ẩn. Họ cũng thường chỉnh sửa lại cơ chế cấp tín dụng để chắc chắn nó đã chặt chẽ và đạt hiệu quả nhất có thể.

    - Hành động pháp lý và thu hồi nợ nhanh chóng: Ở một vài tình huống, nếu đã xác định có khả năng mất vốn cao, ngân hàng thường tiến hành những quy trình pháp lý nhằm mục đích lấy lại được vốn trong thời gian ngắn nhất có thể như bán nợ cho tổ chức khác hoặc giao bán tài sản thế chấp.

    - Trích lập dự phòng: Đây là hành động bắt buộc phải làm bởi các ngân hàng khi ghi nhận nợ từ nhóm 2 trở lên. Việc làm này nhằm mục đích bù đắp cho tình huống công ty không thể hoàn trả khoản nợ đúng yêu cầu.

    ۝ Đối với doanh nghiệp có nợ xấu

    - Đánh giá tình hình tài chính: Công ty nên kiểm tra lại tổng thể tình hình tài chính của mình nhằm hiểu được lý do xảy ra nợ xấu, xác định năng lực thanh toán nợ và xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, nó cũng nên kèm theo một kế hoạch trả nợ chi tiết và có tính khả thi để chắc chắn việc trả nợ diễn ra như cam kết.

    - Tái cấu trúc nợ: Công ty nên chủ động thương thảo với nhà tín dụng để cơ cấu được khoản nợ theo hướng có lợi cho đôi bên. Điều này có thể bao gồm thương thảo sửa đổi điều kiện cho vay, đề nghị giãn nợ hoặc giảm nợ để giảm áp lực tài chính.

    - Nâng cao hiệu quả kinh doanh: Việc để phát sinh nợ xấu chắc chắn có phần nào liên quan đến khả năng kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp. Do đó, các nhà điều hành công ty nên đề ra kế hoạch xử lý khó khăn từ gốc rễ.

    - Tìm kiếm nguồn vốn mới: Để giải quyết nợ xấu, công ty có thể nhờ đến các nguồn vốn mới từ những nhà tín dụng khác hoặc phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu để có thêm nguồn vốn tiếp tục kinh doanh và trả nợ. Công ty cũng có thể tìm hiểu thêm về các cơ chế trợ cấp của chính phủ để giúp giảm nhẹ sức nặng tài chính.

    6. Phân tích vấn đề về nợ nhằm đưa ra quyết định đầu tư như thế nào?


     Khi đầu tư vào nhà tín dụng 

    - Xem xét kỹ chất lượng tài sản: Nợ xấu thường cho ta biết chất lượng tài sản của ngân hàng có ở mức tốt hay không. Các nhà đầu tư cần nắm rõ về cơ cấu các nhóm nợ và phán đoán mức tăng trưởng nợ xấu nhằm thấy được giá trị của chúng trong dài hạn.

    - Quy trình kiểm soát rủi ro: Nợ xấu đôi khi bắt nguồn từ chính cách ngân hàng quản trị rủi ro. Do đó, nhà đầu tư cần biết rõ ngân hàng có khẩu vị rủi ro như thế nào, lợi thế và hạn chế trong cơ chế quản trị rủi ro của họ để dự đoán tình trạng nợ xấu trong tương lai.

    - Xem xét hiệu quả kinh doanh: Ngân hàng buộc phải tìm nguồn tiền bù đắp nếu khiến phát sinh nợ xấu và thường nó đến từ lợi nhuận. Do đó, việc theo dõi sự tăng giảm lợi nhuận trở nên vô cùng hữu dụng khi đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của nợ xấu tới ngân hàng.

    - Làm phong phú danh mục đầu tư: Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc phân bổ vốn vào nhiều hàng ngân hàng để giảm thiểu tác động nếu một trong số chúng điêu đứng vì nợ xấu.

    ☆ Khi đầu tư vào doanh nghiệp 

    Khi doanh nghiệp phát sinh nợ xấu, nó có thể dễ dàng nhận thấy trong các tài liệu tài chính. Việc họ có nợ xấu chưa chắc đã là điều tồi tệ. Nếu khoản nợ quá hạn này bắt nguồn từ yếu tố khách quan và khó khăn chỉ là tạm thời, đây có thể là cơ hội đầu tư tiềm năng. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng nên có kế hoạch quản lý nợ rõ ràng và khả thi để giảm thiểu nợ xấu. Ngược lại, nếu nợ quá hạn bắt nguồn từ cơ chế điều hành yếu kém của nội bộ doanh nghiệp, hãy dừng việc đầu tư với nó.

    Dựa vào báo cáo tài chính, chúng ta cũng có thể nhìn ra được rủi ro xảy ra nợ xấu trong tương lai. Nếu công ty đang vay nợ quá nhiều và dòng tiền thu về không đủ mạnh và đều đặn, đây là tín hiệu cảnh báo sớm muộn công ty cũng sẽ gặp vấn đề về trả nợ. 


    Nếu bạn có khẩu vị đầu tư an toàn, hãy chọn một công ty vay nợ ít và dòng tiền thu về mạnh. Còn nếu bạn ưa thích những công ty có độ rủi ro và tiềm năng sinh lời cao, hãy chọn doanh nghiệp vay nợ lớn, nhưng hãy đảm bảo nó có đủ nguồn tiền mặt nhằm tránh rơi vào tình trạng có nhiều tài sản nhưng lại mất thanh khoản để trả nợ, dẫn đến việc xảy ra nợ quá hạn hoặc vỡ nợ.


    Mitrade-Do ASIC/CySEC/CIMA/FSC quy định ✔️ 50000USD vốn trải nghiệm ✔️ 0 phí hoa hồng, spread thấp ✔️ Đòn bẩy linh hoạt 1:1~1:200 ✔️ Vô vàn tài nguyên đào tạo

    7. FAQs


    • Nợ xấu có khả năng dẫn đến phá sản không?

    Có, nợ xấu có thể khiến doanh nghiệp giải thể hoặc cá nhân vỡ nợ nếu nó vượt quá năng lực thanh toán mà không có biện pháp tái cơ cấu hoặc giải quyết hợp lý.


    • Làm thế nào để giảm thiểu nợ xấu?

    Phòng trừ nợ xấu yêu cầu năng lực kiểm soát tài chính tốt, giám sát kỹ lưỡng tình hình vay mượn và thiết lập phương pháp kiểm soát rủi ro để ứng phó với các biến động bất ngờ.


    • Mức độ nợ xấu ở nước phát triển và đang phát triển khác nhau như thế nào?

    Nhờ cơ chế quản trị tài chính chặt chẽ và nền kinh tế mạnh, các quốc gia phát triển thường sẽ có mức độ nợ xấu nhỏ hơn nước đang phát triển.


    • Tác động của COVID-19 đối với nợ xấu?

    Đại dịch COVID-19 khiến vấn đề nợ xấu doanh nghiệp và cá nhân trở nên trầm trọng hơn do sự kém hiệu quả trong kinh doanh buôn bán và số người thất nghiệp tăng mạnh.


    • Nợ xấu có thể chuyển nhượng không?

    Có, nợ xấu có thể mua bán như một loại tài sản. Đây là mà các ngân hàng hay dùng tới nhằm thu lại vốn nhanh nhất với khi xảy ra nợ xấu.


    • Ở thời kỳ kinh tế hưng thịnh, nợ xấu thường bớt đi hay tăng lên?

    Tăng trưởng kinh tế là tín hiệu chứng minh nguồn tiền của doanh nghiệp và cá nhân dồi dào, do đó, nợ xấu ở thời gian này thường có tỷ lệ thấp hơn.


    • Nợ xấu tác động thế nào đến lãi suất vay vốn ở ngân hàng?

    Một đối tượng có nợ xấu thường sẽ phải vay phải chịu lãi suất cao hơn do nhà tín dụng phải đề phòng cho trường hợp rủi ro lớn hơn.


    • Làm thế nào để đánh giá mức độ nợ xấu của một ngân hàng?

    Để đánh giá mức độ nợ xấu của một ngân hàng, có thể sử dụng chỉ số tỷ lệ nợ xấu (NPL ratio), tỷ lệ này là tổng giá trị nợ xấu chia cho tổng giá trị tất cả của ngân hàng.


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad