CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Quỹ phòng hộ(hedge fund) là gì? Kiếm lợi nhuận từ quỹ phòng hộ liệu có dễ dàng?

    9 Phút
    Cập nhật 14/03/2024 07:15
    Nhóm Mitrade


    Bước chân vào thế giới tài chính, chúng ta không thể bỏ qua phương thức kiếm lợi nhuận dựa vào quỹ phòng hộ. Nhờ sự linh hoạt và đa dạng trong chiến lược phân bổ vốn, quỹ phòng hộ ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Tuy vậy, quỹ phòng hộ không phải là loại hình đầu tư dành cho mọi đối tượng do nó đặt ra các điều kiện tham gia khá khắt khe. 

    Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu rõ nguồn gốc và các loại quỹ phòng hộ phổ biến, cũng như những vai trò của chúng đối với thị trường tài chính.  Quỹ phòng hộ mang đến những ưu điểm và tiềm năng không thể phủ nhận, tuy nhiên, nó cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và gây ra nhiều tranh cãi, tất cả sẽ được giải thích như dưới đây.


    Theo sát hơn 400 thị trường tài chính trên sàn Mitrade

    1. Quỹ phòng hộ là gì?


    Quỹ phòng hộ (hedge fund) là một loại quỹ đầu tư tư nhân, được điều hành bởi các nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm, nhằm mục đích mang về lợi nhuận cao nhất cho các thành viên tham gia. Đặc trưng của quỹ phòng hộ là tính linh hoạt và đa dạng trong các chiến lược đầu tư, điều cho phép nó tham gia đầu tư vào nhiều loại tài sản ở đa dạng thị trường.


    Ngoài cổ phiếu, trái phiếu, quỹ phòng hộ còn có thể đầu tư vào hàng hóa, tiền tệ, bất động sản, và nhiều công cụ phái sinh. Những nhà điều hành quỹ dùng đến các kỹ thuật phân tích cơ bản và phức tạp nhằm đánh giá các cơ hội đầu tư và xác định hướng đi thị trường. Điều này tạo điều kiện cho họ tối ưu hoá mọi cơ hội có tiềm năng sinh lời cao và hạn chế rủi ro đối với mọi loại tài sản.


    2. Đặc điểm của quỹ phòng hộ


    • Những đặc tính đáng chú ý

    ֎ Rào cản đầu tư cao: Quỹ phòng hộ đặt ra một vài điều kiện tài chính nhất định cho thành viên, chẳng hạn như phải sở hữu khối tài sản ròng lớn hoặc thu nhập cao. Thêm vào đó, các quỹ này thường sẽ đề nghị nhà đầu tư ký một thỏa thuận hợp tác hữu hạn. Giao kết này phác thảo những điều khoản và điều kiện của khoản đầu tư, chẳng hạn như chi phí và quyền lợi nhà đầu tư. 

    ֎ Tính linh hoạt: Quỹ phòng hộ thường dễ dàng thay đổi chiến lược và các loại tài sản đầu tư. Ngoài việc kiếm lợi nhuận từ cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hay tiền tệ, quỹ phòng hộ còn sẵn sàng phân bổ vốn vào các công cụ phái sinh hoặc những tài sản có mức độ thanh khoản kém như bất động sản hay vốn góp kinh doanh.

    ֎ Phí hiệu quả lợi nhuận (performance fee): Ngoài phí quản lý, quỹ phòng hộ còn thu phí hiệu quả lợi nhuận. Nếu phí quản lý là con số cố định hàng năm tính trên số dư của quỹ thì phí hiệu quả lợi nhuận lại tính theo tỷ lệ của phần lợi nhuận mà quỹ đạt được. Loại phí này đôi khi rất lớn nhưng nó cũng có thể là tác nhân khuyến khích quỹ phát triển ra phương thức đầu tư tốt hơn.

    ֎ Đòn bẩy: Một số quỹ phòng hộ tìm đến đòn bẩy nhằm nâng cao khối lượng giao dịch và hiệu quả sinh lời. Công cụ này hỗ trợ cho nó tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu của quỹ. Mặc dù vậy, quá lạm dụng đòn bẩy cũng có thể gây ra rủi ro khó kiểm soát và thua lỗ lớn nếu thị trường không đi theo kế hoạch. Ví dụ, vào năm 1998, quỹ phòng hộ LTCM (Long-Term Capital Management) từng sử dụng đòn bẩy quá cao và khi chịu mức thua lỗ lớn, nó đã tạo ra sự rối loạn trên thị trường.

    Giá trị khoản đầu tư 1000 USD vào LTCM, chỉ số Dow Jones và trái phiếu chính phủ Mỹ từ năm 1994 đến 1998

    Giá trị khoản đầu tư 1000 USD vào LTCM, chỉ số Dow Jones và trái phiếu chính phủ Mỹ từ năm 1994 đến 1998 (Nguồn: Wikipedia)


    ֎ Thiếu quy định nghiêm ngặt: Một điểm đáng lưu ý của quỹ phòng hộ là nó không được quy định nghiêm ngặt như các quỹ đầu tư truyền thống. Điều đó tạo ra sự kém minh bạch và tăng rủi ro đối với các thành viên của quỹ. Chẳng hạn, vào năm 2008, quỹ phòng hộ Bear Stearns đã bất ngờ sụp đổ và kéo theo cơn khủng hoảng ảnh hưởng khắp thị trường.

    • So sánh quỹ phòng hộ với quỹ tương hỗ


    Quỹ tương hỗ

    Quỹ phòng hộ

    Ý nghĩa

    Quỹ tập hợp vốn để mua một rổ chứng khoán và phân phối lại cho chính những người góp vốn

    Các thành viên cùng tập hợp vốn để mua nhiều tài sản đa dạng

    Thành viên tham gia

    Các nhà đầu tư bán lẻ với nguồn thu nhập hạn chế

    Cá nhân sở hữu tổng tài sản lớn hoặc các tổ chức với khẩu vị rủi ro cao

    Chủ sở hữu

    Không giới hạn

    Số lượng hạn chế

    Phí

    Thường chỉ bao gồm phí quản lý tài sản

    Đi kèm phí theo hiệu quả đầu tư có thể lên tới 20% lợi nhuận

    Phong cách đầu tư

    Ổn định và ít rủi ro

    Rất linh hoạt và năng nổ

    Sự quản lý bởi nhà chức trách

    Được quản lý nghiêm ngặt

    Ít quy định quản lý

    Mức độ minh bạch

    Báo cáo quản lý quỹ được công khai định kỳ

    Thông tin được giới hạn cho thành viên

    Sự đóng góp của nhà quản lý quỹ

    Không yêu cầu tham gia

    Trực tiếp góp vốn cho quỹ


     ►► Cả hai loại quỹ đều đóng vai trò là phương tiện đầu tư với mục tiêu thu về lợi nhuận từ số tiền gốc. Tuy nhiên, phong cách đầu tư và mức độ lợi nhuận tạo ra nhiều điểm khác biệt căn bản giữa hai loại quỹ này. Quỹ tương hỗ nhắm tới các nhà đầu tư bán lẻ muốn giới hạn rủi ro và tăng trưởng lợi nhuận ở tốc độ ổn định trong dài hạn. Ngược lại, quỹ phòng hộ hướng tới việc thu về lợi nhuận cao nhất có thể và chấp nhận chịu rủi ro tương ứng. 

    3. Các loại quỹ phòng hộ


    Quỹ phòng hộ được biết đến với phong cách đầu tư đa dạng, khẩu vị rủi ro không loại trừ bất kỳ loại hình tài sản nào, vì vậy, có vô số phương pháp để phân loại quỹ phòng hộ. Dưới đây sẽ đề cập đến một số kiểu chính của quỹ phòng hộ, được phân loại theo tiêu chí về chiến lược đầu tư.

    ☀️ Quỹ mua/bán cổ phiếu kết hợp (Long/Short Equity): Chiến lược này kết hợp việc mua vào (long) cổ phiếu có tiềm năng tăng giá, đồng thời bán khống (short) cổ phiếu khác có khả năng giảm giá như một cách nhằm kiếm được lợi nhuận và giới hạn rủi ro tối đa. Khi thị trường tăng, các vị thế mua của quỹ sẽ đem lại lợi nhuận. Khi thị trường giảm, các vị thế bán của quỹ sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại hoặc đạt được lợi nhuận. Chiến lược này là rất hữu hiệu trong mục tiêu giới hạn tác động từ biến động thị trường.

    ☀️ Quỹ vĩ mô toàn cầu (Global Macro): Đây là chiến lược đầu tư dựa trên dự đoán về xu hướng kinh tế, tài chính và yếu tố chính trị toàn cầu. Điểm đặc thù của các quỹ này là việc phán đoán sự biến động của các thành phần kinh tế và chính trị thế giới, và từ đó tận dụng cơ hội đầu tư. Sản phẩm đầu tư mà quỹ hướng đến bao gồm mọi loại tài sản có thể thay đổi theo biến động vĩ mô như tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu, hàng hóa cũng như cả thị trường phái sinh.

    ☀️ Quỹ giá trị tương đối (Relative Value): Chiến lược này xác định cơ hội kiếm lời bằng cách so sánh giá trị của nhiều loại tài sản thay vì cố gắng dự đoán chính xác hướng di chuyển của thị trường. Cụ thể, quỹ kỳ vọng thu về lợi nhuận từ việc mua vào tài sản mà họ cho rằng đang được định giá dưới giá trị thật và đồng thời bán ra tài sản mà họ cho rằng được định giá cao hơn.

    ☀️ Quỹ hoạt động chủ động (Activist): Thay vì chỉ đơn thuần đầu tư và hy vọng đạt được lợi nhuận từ sự tăng giá giá trị tài sản, các quỹ phòng hộ hoạt động chủ động thường mua vào cổ phiếu của một công ty mục tiêu và tham gia vào quản trị doanh nghiệp, tiếp theo đó là đề ra các cải tiến chiến lược, thay đổi hoạt động, và thậm chí can thiệp vào việc lựa chọn ban lãnh đạo. Mục đích lớn nhất của các quỹ này là tạo ra lợi nhuận bằng cách thúc đẩy thay đổi tích cực trong công ty.

    ☀️ Quỹ theo xu hướng (Trend Following): Loại chiến lược này tuân theo hướng di chuyển của thị trường nhằm kiếm lợi nhuận. Nó có thể áp dụng phân tích kỹ thuật để phát hiện và tận dụng xu hướng đang diễn ra. Danh mục đầu tư thường nhắm đến vô số loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu và các công cụ tài chính phái sinh.


    4. Quỹ phòng hộ hoạt động như thế nào?


    • Hoạt động gây quỹ và quan hệ với nhà đầu tư 

    ☼ Gây quỹ: Quỹ phòng hộ thường tồn tại theo tư cách pháp nhân dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh. Nhà quản lý tài sản được đăng ký là đối tác chung, còn khách hàng đầu tư là đối tác hạn chế. Chính vì điều này mà quỹ không vướng nhiều ràng buộc về sự quản lý từ các nhà chức trách.

    Các nhà quản lý quỹ tạo ra một tài liệu trình bày cá nhân (PPM), qua đó phác thảo mục tiêu, kế hoạch, rủi ro, chi phí và nhiều thông tin khác nhằm giới thiệu tới các nhà đầu tư có nhu cầu. Các quỹ này không hướng đến công chúng hoặc công khai kêu gọi vốn mà việc tiếp cận được thực hiện riêng với các đối tượng cá nhân có giá trị tài sản cao hay nhà đầu tư tổ chức.

    Cách quản lý: Quỹ phòng hộ áp dụng những chiến lược đa dạng và thường dùng đòn bẩy gia tăng lợi nhuận. Sau khi quỹ tăng vốn, nhà quản lý quỹ tiến hành phân bổ tiền tới những cơ hội kiếm lời đã chọn dựa trên chiến lược của quỹ. Hoạt động đầu tư được quản lý chủ động và các nhà quản lý quỹ có thể mua và bán tài sản khi diễn biến thị trường thay đổi.

    Việc rút vốn khỏi quỹ phòng hộ thường cũng khó thực hiện hơn khi thành viên phải cam kết giữ vững vị thế trong dài hạn.

    ☼ Báo cáo hiệu suất: Tình hình đầu tư của quỹ không được công khai nhưng vẫn được báo cáo định kỳ tới các thành viên tham gia. Những báo cáo này bao gồm mọi vấn đề như hoạt động vận hành của quỹ, danh sách tài sản nắm giữ cùng nhiều thông tin cần thiết khác. Ngoài ra, quỹ phòng hộ cũng có thể tổ chức họp thường xuyên với thành viên góp vốn để thảo luận về chiến lược hay mọi sự thay đổi có khả năng xảy ra.

    • Một vài quỹ phòng hộ lớn 


    - Trên thế giới:Các quỹ phòng hộ phổ biến rộng rãi trên thế giới và có sự đa dạng về quy mô, chiến lược và mục tiêu đầu tư. Hình thức này đặc biệt thịnh hành ở những nước châu Âu và Mỹ, khi các quỹ lớn nhất thế giới đều nằm tại đây.


    Tên quỹ phòng hộ

    Tài sản quản lý

    Thông tin

    Bridgewater Associates

    Khoảng 150 tỷ USD

    Bridgewater Associates là một trong những quỹ phòng hộ có quy mô đứng đầu thế giới, được Ray Dalio tạo ra vào năm 1975. Chiến lược của quỹ là chạy theo các tín hiệu tầm vĩ mô, ra các quyết định theo diễn biến tổng thể hơn là tập trung vào từng loại tài sản cụ thể.

    Renaissance Technologies

    Khoảng 60 tỷ USD

    Renaissance Technologies là một quỹ phòng hộ nổi tiếng, thành lập năm 1982 bởi James Simons. Quỹ này được biết đến với chiến lược đầu tư sử dụng đa dạng mô hình và nhiều thuật toán phức tạp nhằm phân tích nhiều nguồn dữ liệu phong phú như chỉ số tài chính, dữ liệu thị trường, và tin tức.

    Man Group

    Khoảng 100 tỷ USD

    Man Group được thành lập vào năm 1783 và chuyển sang hình thức hoạt động quỹ phòng hộ vào năm 2012. Nó có mặt trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đồng thời ứng dụng kiểu phân tích định lượng phức tạp để định hình chiến lược đầu tư.

    D.E. Shaw & Co.

    Khoảng 50 tỷ USD

    Được thành lập vào năm 1988 bởi David E. Shaw, D.E. Shaw & Co. đã tạo dựng được danh tiếng vượt trội với hiệu suất đầu tư ấn tượng nhờ sử dụng kỹ thuật phân tích số liệu và công nghệ tiên tiến.

    Two Sigma Investments

    Khoảng 60 tỷ USD

    Two Sigma Investments được thành lập năm 2001 bởi David Siegel và John Overdeck. Quỹ này tập trung nguồn lực vào ngành công nghệ, sử dụng thông tin có được từ các nguồn dữ liệu khổng lồ và ứng dụng AI để xác định cơ hội kiếm lời.


    - Ở Việt Nam: 


    Khác với sự thịnh hành tại phương Tây, quỹ phòng hộ ở Việt Nam vẫn là loại hình tương đối mới mẻ và ít được biết tới. Quỹ phòng hộ ở Việt Nam còn có tên gọi khác là Quỹ thành viên và hiện chỉ cho phép kết nạp các thành viên là tổ chức. Theo luật pháp địa phương, quỹ này yêu cầu vốn điều lệ đạt ít nhất 50 tỷ VND và không vượt quá số lượng 30 thành viên góp vốn. 


    Tên quỹ

    Vốn điều lệ

    Thông tin

    Quỹ Đầu tư Thành viên SSI (SSI-SCA)

    390 tỷ đồng

    Công ty quản lý quỹ SSI là đơn bị điều hành SSI-SCA, vốn có khẩu vị đầu tư là lĩnh vực bất động sản ở Mỹ.

    Quỹ Đầu tư Khám phá Giá trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VVDIF)

    100 tỷ đồng

    Chiến lược của VVDIF là góp vốn vào các doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết sàn chứng khoán và những công ty đã thoái vốn nhà nước với mục tiêu trở thành cổ đông lớn cùng thời   gian gắn bó lâu dài.

    Qũy đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF )

    200 tỷ đồng

    JAMBF chủ động tìm kiếm những công ty bị định giá thấp, đồng thời sở hữu giá trị nội tại lớn, với khả năng phát triển bền vững và đều đặn theo thời gian.


    5. Tác động của các quỹ phòng hộ đến nền kinh tế


    Quỹ phòng hộ sở hữu vai trò đa dạng trong nền kinh tế, tác động đa chiều tới lĩnh vực tài chính và hoạt động kinh tế qua việc cung cấp thanh khoản, hình thành vốn và hỗ trợ nhiều công ty.

    Cải thiện hiệu quả và tính thanh khoản

    Các quỹ phòng hộ đóng góp vào việc cải thiện hiệu quả thị trường bằng cách tích cực tìm kiếm những tài sản có giá trị định giá thấp. Đôi khi các quỹ này đảm nhiệm cả vị thế mua và bán, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, đảm bảo rằng luôn có cung cầu mua bán đối với đa dạng loại tài sản. Bằng cách hình thành môi trường đầu tư hiệu quả, các quỹ phòng hộ giúp tạo điều kiện cho thị trường hoạt động nhịp nhàng và thuận lợi.

    Chẳng hạn, trong cơn bão tài chính hồi năm 2008, các quỹ phòng hộ đã hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ở thời điểm khó khăn. Các quỹ này mua những tài sản bị định giá thấp, giúp bình ổn giá cả và tạo môi trường dễ dàng cho giao dịch, khi nhiều đối tượng đang hoảng loạn bán tháo tài sản và có nguy cơ gây ra hiệu ứng domino.

    Khám phá giá và tín hiệu thị trường

    Các quỹ phòng hộ tích cực áp dụng nhiều biện pháp phân tích dữ liệu hữu dụng để hình thành chiến lược giao dịch. Sự nghiên cứu đầy đủ và kỹ lưỡng này hỗ trợ ấn định giá trị chuẩn xác của tài sản. Khi họ mở vị thế dựa theo sự phân tích của mình, hành động này sẽ gửi tín hiệu đến các nhà đầu tư khác, tác động vào tâm lý thị trường.


    Ví dụ: Khi một quỹ phòng hộ thực hiện bán khống một số lượng cổ phiếu lớn, nó có thể báo hiệu những vấn đề hoặc điểm yếu tiềm ẩn của công ty đó. Hành động đó dễ làm các nhà đầu tư nhỏ lẻ dè chừng hoặc chủ động hành động theo như một cách sao chép chiến lược giao dịch.


    Đầu tư và hỗ trợ quản trị cho các doanh nghiệp

    Một số quỹ phòng hộ tìm cách mua lượng cổ phần lớn của các doanh nghiệp và tác động đến quá trình ra quản trị cũng như ra quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Các quỹ phòng hộ có thể thúc đẩy việc cơ cấu bộ máy lãnh đạo, điều hướng kế hoạch kinh doanh cũng như phân bổ lại nguồn lực nhằm mục đích tạo ra lợi ích cho bản thân và cổ đông khác.

    Ví dụ: Vào năm 2013, quỹ phòng hộ Third Point đã đầu tư vào Yahoo và thúc đẩy một cuộc cải tổ cơ cấu quản lý. Kết quả là Yahoo đã thay thế giám đốc điều hành và tập trung nguồn lực vào các mảng kinh doanh cốt lõi, dẫn đến giá cổ phiếu và giá trị công ty tăng lên đáng kể.

    Tái phân bổ nguồn lực kinh tế

    Các quỹ phòng hộ phân bổ vốn vào đa dạng khu vực địa lý và ngành nghề. Bằng cách chủ động phát hiện cơ hội đầu tư, họ có thể tập trung vào nhiều ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh hoặc tài sản có giá trị thấp, điều đó góp phần hỗ trợ hoạt động tái phân bổ và giúp nguồn lực trong nền kinh tế đồng đều hơn.

    Mặc dù vậy, yếu tố cần phải để tâm là các quỹ phòng hộ thường gây quan ngại và tranh cãi về ảnh hưởng của chúng với nền kinh tế nói chung.

    Rủi ro hệ thống


    Một vài lập luận cho rằng, hoạt động của các quỹ phòng hộ, đặc biệt là những quỹ sử dụng đòn bẩy cao và có chiến lược giao dịch phức tạp, có thể góp phần gây ra rủi ro hệ thống. Sự sụp đổ bất ngờ hoặc tổn thất đáng kể tại một quỹ phòng hộ lớn có thể lây lan sang nhiều thị trường đầu tư, gây ra hiệu ứng domino, khiến mất ổn định hệ thống tài chính.

    Ví dụ: Sự sụp đổ của quỹ phòng hộ Long-Term Capital Management (LTCM) do sử dụng đòn bẩy cao trong thị trường chứng khoán ở cuộc khủng hoảng năm 1998 đã tác động mạnh tới toàn bộ thị trường nói chung. Tổng cộng, 16 tổ chức tài chính lớn tại Mỹ như Citigroup, JPMorgan Chase, và Merrill Lynch đã phải cùng lúc hỗ trợ LTCM với số tiền lên đến 3,6 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động do sự sụp đổ này gây ra.

    Thiếu minh bạch

    Quỹ phòng hộ thường bị quản lý lỏng lẻo hơn bởi nhà chức trách so với các phương tiện đầu tư khác. Sự thiếu minh bạch này có thể gây lo ngại về tính toàn vẹn của thị trường, khả năng bảo vệ nhà đầu tư và hạn chế rủi ro tiềm ẩn một cách hiệu quả, đồng thời dễ tạo ra các cú sốc về kinh tế.

    Ví dụ: Vào năm 2021, quỹ phòng hộ Archegos Capital Management, được điều hành bởi nhà đầu tư Bill Hwang, đã bất ngờ sụp đổ sau do không thể đáp ứng các yêu cầu về ký quỹ trong giao dịch chứng khoán. Sau đó, người ta mới xác định được rằng, quỹ này đã thực hiện các vị thế bán khống khổng lồ và dẫn đến thua lỗ nặng khi thị trường đi ngược với sự tính toán. Việc quỹ này không công khai thông tin đầu tư đã khiến toàn bộ thị trường sốc trước sự sụp đổ nhanh chóng này.

    Bất bình đẳng và méo mó thị trường

    Các nhà phê bình lập luận rằng, năng lực tài chính hùng hậu và chiến lược của các quỹ phòng hộ, chẳng hạn như bán khống hoặc can thiệp vào nội bộ doanh nghiệp, có thể làm tồi tệ hơn sự cân bằng giàu nghèo và tạo ra sự méo mó thị trường. Những người phản đối quỹ phòng hộ rằng, một số hoạt động của quỹ có thể ưu tiên thu lợi ngắn hạn hơn là tạo ra giá trị dài hạn.


    6. Đầu tư vào quỹ phòng hộ có rủi ro và cơ hội thế nào?


    • Cơ hội

    ✔️ Tiềm năng lợi nhuận cao hơn: Các quỹ phòng hộ có năng lực kiếm lời nhanh hơn so với các lựa chọn đầu tư truyền thống. Tính linh hoạt trong phong cách đầu tư, ví dụ như bán khống, đòn bẩy và can thiệp vào tình hình doanh nghiệp, cho phép nó tận dụng sự mọi cơ hội trên thị trường để kiếm được lợi nhuận

    ✔️ Danh mục phong phú: Các quỹ phòng hộ sẵn sàng bỏ vốn vào vô số loại tài sản phi truyền thống, giúp nắm bắt nhiều cơ hội đầu tư. Sự phong phú này có thể giúp giới hạn rủi ro đối với danh mục đầu tư và tăng khả năng kiếm lời.

    ✔️ Sự linh hoạt và thích ứng: Các quỹ phòng hộ có lợi thế về sự nhanh nhẹn và dễ thích nghi. Nó có thể nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và vị thế của mình nhằm ứng biến với diễn biến lên xuống của thị trường, xu hướng kinh tế hoặc cơ hội đầu tư mới, đồng thời giới hạn rủi ro tối đa.

    ✔️ Tiếp cận với các chuyên gia quản lý quỹ: Các quỹ phòng hộ thường được điều hành bởi các chuyên gia với kinh nghiệm uyên thâm. Thành viên của quỹ sẽ tận dụng được chuyên môn của các nhà quản lý quỹ, những người có kinh nghiệm và kiến thức sâu về chiến lược đầu tư hoặc lĩnh vực thị trường cụ thể. Việc tiếp cận được với các nhân vật có bề dày kinh nghiệm có thể hỗ trợ nhà đầu tư có được hiệu suất lợi nhuận vượt trội.


    Mở Tài Khoản Demo Mở Tài Khoản Thật 

    • Rủi ro

    ⭕ Lợi nhuận không ổn định: Các quỹ phòng hộ thường tìm tới những chiến lược đầu tư chủ động, bao gồm đòn bẩy và các công cụ phái sinh, điều có thể khiến tăng rủi ro và tính biến động. Tiềm năng thu được lợi nhuận cao luôn kéo theo rủi ro thua lỗ lớn, nhất là ở giai đoạn thị trường ảm đạm hoặc xảy ra diễn biến khó đoán.

    ⭕ Quy định giám sát hạn chế: Các quỹ phòng hộ thường được giám sát bởi các quy định hạn chế so với các công cụ đầu tư khác. Việc thiếu quy định có thể gây lo ngại về tính minh bạch, khả năng bảo vệ nhà đầu tư và rủi ro hệ thống. Điều này khiến các thành viên của quỹ khó truy đòi hơn nếu không may xảy ra hoạt động gian lận và quản lý yếu kém.

    ⭕ Chi phí cao: Các quỹ phòng hộ thường tính phí lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư khác. Các khoản phí này bao gồm phí quản lý (tính dựa trên tổng tài sản đầu tư) và phí hiệu quả (tính theo phần trăm lợi nhuận được tạo ra). Phí cao có thể tác động mạnh mẽ đến lợi nhuận đầu tư tổng thể, đặc biệt nếu hiệu suất của quỹ không thể bù được chi phí.

    ⭕ Hạn chế trong rút vốn : Nhiều quỹ phòng hộ thường áp dụng các điều kiện và giới hạn đối với việc rút vốn. Thành viên tham gia có thể sẽ không lấy được vốn khỏi quỹ ở một khoảng thời gian cụ thể và chỉ có thể làm điều này khi đưa ra thông báo theo kế hoạch. Việc này tạo ra khó khăn cho những người có nhu cầu cần đến tiền mặt đột xuất.

    ⭕ Phức tạp và thiếu minh bạch: Các quỹ phòng hộ thường sử dụng các chiến lược đầu tư phức tạp, điều có thể khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc hiểu đầy đủ về vị thế, rủi ro và các yếu tố tạo ra lợi nhuận. Sự thiếu minh bạch trong hoạt động của quỹ phòng hộ cũng có thể khiến các nhà đầu tư khó đánh giá chính xác hiệu suất các khoản đầu tư của họ.


    7. Điều cần cân nhắc trước khi đầu tư vào quỹ phòng hộ


    Xác định mục tiêu đầu tư: Định hình mục tiêu bao gồm việc xác định mức độ rủi ro có thể chịu đựng và khoản ngân sách sẵn sàng phân bổ. Đầu tư vào quỹ phòng hộ có thể thu về lợi nhuận lớn, nhưng nó cũng kéo theo độ nguy hiểm cao hơn. Nếu bạn đang tìm kiếm hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận ổn định và không muốn chấp nhận rủi ro lớn, thì quỹ phòng hộ có thể không phải là lựa chọn dành cho bạn.

    Hiểu rõ phương pháp đầu tư của quỹ phòng hộ: Nghiên cứu và hiểu rõ chiến lược đầu tư của quỹ phòng hộ là điều quan trọng. Mặc dù được biết đến với tính linh hoạt, mỗi quỹ phòng hộ sẽ có các phương pháp và phong cách đầu tư riêng biệt. Hãy xem xét kỹ lưỡng chiến lược đó để đảm bảo rằng nó đáp ứng yêu cầu của bạn về khả năng sinh lời và mức độ rủi ro.

    Quản lý rủi ro: Khi đầu tư vào quỹ phòng hộ, điều này đồng nghĩa với việc bạn đã phó mặc cho nhà quản lý quỹ sử dụng tiền của bạn và không thể tác động tới quyết định của họ. Do đó, bạn có thể quản lý rủi ro bằng cách phân bổ một mức ngân sách phù hợp vào hình thức này, trong khi đa dạng hóa ra cả nhiều loại tài sản khác.

    Luôn quan tâm đến chi phí: Quỹ phòng hộ có phí quản lý và phí tính theo hiệu quả có thể lên đến 20% của lợi nhuận. Hãy đảm bảo rằng bạn đã hiểu rõ về các khoản phí này và cân nhắc tác động của chúng đến lợi nhuận đầu tư của bạn. 

    Tính toán thời gian rút vốn: Kế hoạch đầu tư vào quỹ phòng hộ luôn nên đi kèm kế hoạch về thời gian rút vốn, vì các quỹ này thường yêu cầu thành viên cam kết đầu tư trong thời gian dài. Hãy đảm bảo dòng tiền của bạn đủ cho các nhu cầu tài chính khác để không cần đến số tiền đầu tư vào quỹ phòng hộ trong một khoảng thời gian nhất định.

    Câu hỏi thường gặp
    Quỹ phòng hộ có phải là hình thức đầu tư dành cho mọi đối tượng không?
    Không, quỹ phòng hộ thường thích hợp với nhà đầu tư có kinh nghiệm dày dặn và có số tiền đầu tư lớn. Đối với những người có số vốn nhỏ hoặc không có kinh nghiệm, quỹ phòng hộ có thể quá phức tạp và rủi ro cao.
    Lợi nhuận của quỹ phòng hộ được phân chia như thế nào?
    Lợi nhuận của quỹ phòng hộ thường được phân chia dựa vào tỷ lệ góp vốn của những người tham gia, đồng thời mỗi thành viên đều phải cắt lại một phần lợi nhuận nhất định như phí tính theo hiệu quả đầu tư.
    Đánh giá hiệu suất quỹ phòng hộ như thế nào?
    Hiệu suất quỹ phòng hộ thường được xem xét bằng việc so sánh lợi nhuận với một số loại tài sản khác hoặc các quỹ đầu tư tương tự.
    Cần phải tư vấn từ chuyên gia trước khi đầu tư vào quỹ phòng hộ không?
    Rất khuyến khích, trước khi đầu tư vào quỹ phòng hộ, bạn nên xin ý kiến tư vấn với một số chuyên gia tài chính hoặc nhà quản lý tài sản để đảm bảo quỹ có tính chất đúng với mục đích đầu tư và tiềm lực tài chính của bản thân.
    Đầu tư vào quỹ phòng hộ có phù hợp cho mục tiêu ngắn hạn không?
    Không, đầu tư vào quỹ phòng hộ thường là phù hợp với mục tiêu đầu tư dài hạn do tính chất của các chiến lược đầu tư phức tạp.
    Có thể heo dõi hiệu suất của quỹ phòng hộ bằnh cách nào?
    Hiệu suất của quỹ phòng hộ thường được theo dõi thông qua báo cáo hàng tháng hoặc hàng quý của quỹ, các trang web tài chính, và báo cáo đánh giá từ nhiều công ty phân tích.
    Quỹ phòng hộ có đảm bảo lợi nhuận không?
    Không, quỹ phòng hộ không cam kết đảm bảo lợi nhuận cố định. Hiệu suất của quỹ phụ thuộc vào các tình hình thị trường và phong cách đầu tư.

    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Bài viết này có hữu ích với bạn không?
    Các bài viết liên quan
    placeholder
    Nên đầu tư gì sinh lời? 07 cách đầu tư tiền thông minh bằng tiền nhàn rỗi & số tiền nhỏ trong năm 2024Bước sang đầu năm 2024, rất nhiều tài sản đang tăng giá trong bối cảnh địa chính trị leo thang và Fed có dấu hiệu giảm lãi suất trong năm nay hoặc năm tới, trong đó vàng và Bitcoin là những tài sản có hiệu suất rất ấn tượng. Nếu bạn chỉ có tiền ít ỏi nên đầu tư gì và làm thế nào để đầu tư sinh lời từ tiền nhàn rỗi? Đầu tư chứng khoán, gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, chơi tiền ảo hay là đầu tư Forex? Cách đầu tư thông minh như thế nào?
    Tác giả  Nhóm MitradeInsights
    Bước sang đầu năm 2024, rất nhiều tài sản đang tăng giá trong bối cảnh địa chính trị leo thang và Fed có dấu hiệu giảm lãi suất trong năm nay hoặc năm tới, trong đó vàng và Bitcoin là những tài sản có hiệu suất rất ấn tượng. Nếu bạn chỉ có tiền ít ỏi nên đầu tư gì và làm thế nào để đầu tư sinh lời từ tiền nhàn rỗi? Đầu tư chứng khoán, gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, chơi tiền ảo hay là đầu tư Forex? Cách đầu tư thông minh như thế nào?
    placeholder
    Swap là gì và cách tính phí swap: Tận dụng phí qua đêm để tối đa hóa hiệu quả giao dịchĐể giao dịch hiệu quả hơn, chi phí giao dịch là một trong những yếu tố cần được quan tâm. Với mỗi lệnh giao dịch, các chi phí cần bỏ ra thông thường sẽ gồm phí hoa hồng, phí spread phí swap(phí qua đêm)..v.v Trong đó phí swap là loại phí có nhiều điểm khác biệt hơn và được nhiều trader nghiên cứu kỹ. Vậy phí swap là gì, chúng đặc biệt ở chỗ nào? Hãy cùng mình vào bài viết ngày hôm nay để làm rõ hơn các câu hỏi trên.
    Tác giả  Nhóm MitradeInsights
    Để giao dịch hiệu quả hơn, chi phí giao dịch là một trong những yếu tố cần được quan tâm. Với mỗi lệnh giao dịch, các chi phí cần bỏ ra thông thường sẽ gồm phí hoa hồng, phí spread phí swap(phí qua đêm)..v.v Trong đó phí swap là loại phí có nhiều điểm khác biệt hơn và được nhiều trader nghiên cứu kỹ. Vậy phí swap là gì, chúng đặc biệt ở chỗ nào? Hãy cùng mình vào bài viết ngày hôm nay để làm rõ hơn các câu hỏi trên.
    placeholder
    Amibroker là gì? Hướng dẫn cài đặt và sử dụng amibroker để phân tích kỹ thuật Trong phân tích kỹ thuật ngoài các nền tảng quen thuộc như MT4, MT5 thì còn nhiều các phần mềm khác. Một trong số các phần mềm nổi tiếng không kém đó chính là Amibroker. Amibroker là phần mềm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phân tích kỹ thuật chứng khoán, forex. bitcoin.v.v Phần mềm này cũng được nhiều nhà đầu tư Việt lựa chọn và sử dụng.
    Tác giả  Nhóm MitradeInsights
    Trong phân tích kỹ thuật ngoài các nền tảng quen thuộc như MT4, MT5 thì còn nhiều các phần mềm khác. Một trong số các phần mềm nổi tiếng không kém đó chính là Amibroker. Amibroker là phần mềm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phân tích kỹ thuật chứng khoán, forex. bitcoin.v.v Phần mềm này cũng được nhiều nhà đầu tư Việt lựa chọn và sử dụng.
    placeholder
    Option là gì? Tổng quan những điều cần biết về giao dịch quyền chọn (Options)Options hay quyền chọn là các hợp đồng (contract) dựa trên tài sản cơ sở như các loại tiền điện tử (Bitcoin, Ethereum…), các chỉ số chứng khoán hay các quỹ ETF…. Các nhà đầu tư (NĐT) sử dụng các hợp đồng quyền chọn (Options contact) này để giao dịch theo hình thức dự phóng giá của loại tài sản đó tại một thời điểm nhất định trong tương lai mà không bắt buộc phải mua/bán trực tiếp.
    Tác giả  Linh BuiInsights
    Options hay quyền chọn là các hợp đồng (contract) dựa trên tài sản cơ sở như các loại tiền điện tử (Bitcoin, Ethereum…), các chỉ số chứng khoán hay các quỹ ETF…. Các nhà đầu tư (NĐT) sử dụng các hợp đồng quyền chọn (Options contact) này để giao dịch theo hình thức dự phóng giá của loại tài sản đó tại một thời điểm nhất định trong tương lai mà không bắt buộc phải mua/bán trực tiếp.
    placeholder
    Lạm phát là gì? Tình hình lạm phát 2021/2022/2023 và làm gì để chống lạm phát ở Việt Nam Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới trải qua một giai đoạn khó khăn suốt năm 2020 – 2021 vì tình trạng đóng biên ở phần lớn quốc gia trên thế giới gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi vacxin covid-19 ra đời đem đến hy vọng cho việc phục hồi kinh tế thì cuối năm 2021 lại chứng kiến sự leo thang của lạm phát. Mỹ đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, còn tại Châu u là mức cao nhất trong vòng 24 năm.
    Tác giả  Jane PhạmInsights
    Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới trải qua một giai đoạn khó khăn suốt năm 2020 – 2021 vì tình trạng đóng biên ở phần lớn quốc gia trên thế giới gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi vacxin covid-19 ra đời đem đến hy vọng cho việc phục hồi kinh tế thì cuối năm 2021 lại chứng kiến sự leo thang của lạm phát. Mỹ đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, còn tại Châu u là mức cao nhất trong vòng 24 năm.
    Ad