CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    White paper là gì? Cẩm nang chi tiết sử dụng sách trắng

    16 Phút
    Cập nhật 18/05/2023 09:34
    Nhóm Mitrade

    White paper trong Crypto là tài liệu được công bố bởi đội ngũ phát triển của dự án đó. Nó mang đến cho người dùng những thông tin sơ bộ ban đầu về việc dự án đó sẽ làm gì, giải quyết vấn đề gì cũng như nó có những điểm gì ưu việt so với các nền tảng khác cùng phân khúc (nếu có).


    1. White paper là gì?

    White paper hay tiếng Việt còn gọi là Sách trắng. Khái niệm white paper được dùng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó bao gồm cả tiền điện tử (Crypto). Người ta sử dụng white paper như một dạng báo cáo dựa trên nghiên cứu, đưa ra những mô tả về một chủ đề nào đó. Mục đích của white paper nói chung là cung cấp cho những người đọc sự hiểu biết về vấn đề đó.


    Từ khái niệm chung chung trên, trong lĩnh vực tiền điện tử nói riêng, white paper được hiểu một cách đơn giản nhất là một dạng tài liệu mô tả, cung cấp các thông tin chi tiết về một dự án tiền điện tử nhất định. Những thông tin này bao gồm đội ngũ phát triển, mục tiêu, công nghệ cũng như mô hình tài chính… của dự án đó. 


    Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào tìm hiểu khái niệm white paper trong lĩnh vực tiền điện tử. Bản thân white paper trong Crypto có một số đặc điểm chính như sau:


    • Thông thường, nó được phát hành khi có một loại tiền điện tử mới được ra mắt hoặc dự án đã tồn tại nhưng họ có những cập nhật mới. Đương nhiên, không có một quy định nào về việc bắt buộc các dự án phải xuất bản white paper. Tuy nhiên, hầu hết các dự án tiền điện tử lớn (như Bitcoin hay Ethereum…) đều tuân theo điều này. 


    • Sách trắng được phát hành bởi một công ty, tổ chức phi lợi nhuận hoặc cũng có thể là một cá nhân ẩn danh nào đó (như trường hợp của Bitcoin). Thậm chí, bất kỳ ai cũng có thể phát hành white paper ngay cả khi họ không có một nền tảng công nghệ hoặc ý tưởng về một dự án. Đây là điển hình cho phong trào bùng nổ ICO giai đoạn 2017 - 2018, khi mà có hàng tá dự án “vẽ” white paper rất lung linh để thu hút vốn từ nhà đầu tư (NĐT) nhưng có đến 56% các dự án đã chết chỉ sau 4 tháng ICO thành công (nghiên cứu từ Boston College).


    • White paper chỉ là bước đầu trong quá trình huy động vốn của một dự án Crypto. Chúng ta có thể ví nó như là điểm chạm đầu tiên giữa dự án và người dùng vậy.


    • Trong Crypto, white paper có thể có nhiều định dạng khác nhau. Chúng có thể là một bản tài liệu được trình bày chi tiết hàng trăm trang nhưng cũng có thể là một bài post sơ sài trên blog tin tức của dự án… Tuy nhiên, về cơ bản thì dự án có white paper càng chi tiết, cách trình bày chuyên nghiệp, nhiều thông tin phân tích… sẽ là điểm cộng cho dự án đó.


    Một phần của Bitcoin white paper

    Một phần của Bitcoin white paper. Nguồn: bitcoin.org


    2. White paper bao gồm những thông tin gì?

    Như mình đã chia sẻ ở trên, white paper không bắt buộc phải có cho mỗi dự án để huy động vốn trong thị trường tiền điện tử. Do đó, cũng không có một giới hạn cứng nào về các thông tin cần xuất hiện trong một tài liệu sách trắng thông thường. 


    Tuy nhiên, dựa trên quá trình tổng hợp, đánh giá và chọn lọc, mình nhận thấy phần lớn white paper của các dự án lớn, được đánh giá là hoạt động nghiêm túc sẽ gồm một số phần chính như sau:


    • Một là thông tin phân tích thị trường

    Mỗi một dự án Crypto được sinh ra thường sẽ hướng đến việc giải quyết một thiếu sót nào đó của thị trường. Lấy ví dụ, các giải pháp Layer 2 (Lớp 2 - L2) của Ethereum như Arbitrum, Optimism… được sinh ra với mục đích tăng khả năng mở rộng cũng như tiết giảm chi phí giao dịch trên mạng Ethereum. 


    Do đó, trong phần white paper của các dự án sẽ có phần phân tích về vấn đề của mạng Ethereum hiện tại như thế nào, các đối thủ cạnh tranh khác đang giải quyết được gì và còn những vấn đề gì tồn đọng…? Từ đó, xứ mệnh cũng như mục đích của dự án được thành lập là gì?


    • Hai là thông tin chi tiết về dự án

    Sau khi đã hiểu phần nào về mục đích hình thành của dự án, trong white paper chúng ta sẽ thấy các thông tin chi tiết mô tả dự án đó. Những thông tin thường bao gồm:


    Công nghệ/Giải pháp: Đây là thứ cốt lõi nhằm mục đích giải quyết các vấn đề được đặt ra ở đầu. Lấy ví dụ, cùng là một giải pháp L2 của Ethereum nhưng Arbitrum/Optimism sẽ sử dụng công nghệ Optimistic Rollup trong khi StarkNet hay Loopring lại sử dụng công nghệ ZK Rollup.


    Lộ trình phát triển: Thông thường, mỗi dự án sẽ có một lộ trình phát triển, trong đó họ sẽ chia thành các mục tiêu trung và dài hạn. Đây là cách để NĐT có thể tiện theo dõi cũng như đánh giá mức độ hiệu quả cùng tỷ lệ thành công của nó.


    Đội ngũ phát triển: Phần này sẽ cung cấp các thông tin về đội ngũ đứng đằng sau dự án đó. 


    • Ba là mô hình kinh tế của dự án (tokenomics)

    Mô hình kinh tế ở đây đề cập đến việc cách dự án phát hành cũng như quản lý lượng đồng coin do chính họ tạo ra. Với phần đông các NĐT thì phần này sẽ được chú ý nhiều nhất vì nó giúp họ có thể dự phóng được mức giá và mọi biến động đều có thể tạo ra những thay đổi đến giá. Nó thường gồm một số phần chính sau đây:


    Tổng cung: Đây là số lượng đồng coin được phát hành (in) ra ban đầu. Một số dự án sẽ có tổng cung cố định trong khi một số lại không. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, đội ngũ cũng như cộng đồng của dự án đó có thể quyết định in thêm hoặc hủy bớt (đốt token) để làm tăng hoặc giảm tổng cung.


    Phân bổ token: Với tổng cung token kể trên, các dự án sẽ phân bổ thành nhiều phần cho những nhóm đối tượng khác nhau.


    Thời gian mở khóa token: Để tránh việc các NĐT có thể bán tháo một lượng lớn token khiến ảnh hưởng đến giá, các dự án thường có cơ chế thiết lập thời gian mở khóa dần dần thay vì mở khóa toàn bộ cùng lúc.


    Ngoài những thông tin kể trên ra, tùy thuộc vào đánh giá của đội ngũ từng dự án mà có thể sẽ đưa kèm một số thông tin như các lý thuyết toán học áp dụng; thông tin tham khảo; đội ngũ nhà đầu tư, hỗ trợ (backer)…


    3. Ý nghĩa của sách trắng là gì?

    Đối với một dự án Crypto bất kỳ, sách trắng sẽ giúp:


    • Giới thiệu dự án đến với cộng đồng. Trong trường hợp dự án đã được triển khai, việc ra mắt sách trắng ở giai đoạn sau có thể giúp cập nhật những hướng đi mới của dự án với cộng đồng.


    • Sách trắng công khai mọi chi tiết quan trọng về dự án Crypto, đảm bảo không có thông tin hoặc động cơ ẩn đằng sau.


    • Người dùng cũng có thể thông qua white paper xác định những dấu hiệu khả nghi ban đầu của một dự án không nghiêm túc hoặc lừa đảo (scam). 


    4. Cách sử dụng White paper khi phân tích dự án

    Từ khái niệm về white paper mà mình chia sẻ ở trên, có vẻ như nó khá đơn giản với các NĐT không chuyên. Đúng là thực tế có những dự án ngôn ngữ mô tả trong sách trắng khá đơn giản và thân thiện. Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án đưa khá nhiều các ngôn ngữ chuyên ngành, công thức toán học… vào white paper của họ. Và điều này chắc chắn không dễ dàng để hiểu với phần đông các NĐT.


    Chưa kể, một bản white paper đầy đủ với các phần thông tin mình chia sẻ ở trên sẽ khiến NĐT bị ngợp khi bắt đầu với nó. Do đó, để đơn giản hóa việc sử dụng sách trắng khi đầu tư, có 3 yếu tố chính bạn cần lưu tâm. Trước khi bắt đầu, mình muốn bạn hiểu rằng sách trắng chỉ là bước đầu tiên khi bạn tiếp xúc với một dự án mà thôi. Do đó, trong giai đoạn đầu này, bạn nên:


    Đầu tiên, đừng quá chú tâm đến việc hiểu và nắm bắt mọi thông tin liên quan đến phần công nghệ của dự án. Phần lớn các dự án đều dành khá nhiều thông tin cho phần này. Họ sẽ giải thích chi tiết tại sao nó có thể giúp giảm phí giao dịch, cách họ tính phí như thế nào… Chúng ta sẽ không thể đánh giá được liệu đội ngũ đó có thể làm được hay không nếu chỉ thông qua câu chữ. Vậy nên, hãy tạm tin giải pháp họ đưa ra là khả thi.


    Thay vào đó, hãy hiểu rõ mục tiêu mà dự án đang hướng đến là giải quyết vấn đề gì? Vấn đề đấy có thực sự quan trọng? Có những đối thủ cạnh tranh nào trong phân khúc đó?...


    Bảng so sánh phí trên Ethereum và các giải pháp L2

    Bảng so sánh phí trên Ethereum và các giải pháp L2. Nguồn: L2Beat


    Lấy ví dụ, có không ít các giải pháp L2 cho Ethereum trên thị trường. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy mức phí giao dịch trên mạng Ethereum vẫn ở mức khá cao do lượng giao dịch lớn cùng khả năng mở rộng có giới hạn. Do đó, dường như vẫn còn nhiều dư địa cho các giải pháp L2 khác tối ưu hơn. Thế nên, nếu trong white paper của dự án bạn quan tâm có đề cập đến việc tối ưu mức phí này thì đây là một tín hiệu đáng mừng.


    Tiếp đến, hãy chú ý đến phần tokenomics của dự án đó. Dựa vào các thông tin mình chia sẻ ở trên, bạn có thể so sánh nó với một dự án khác đã ra mắt để có cho mình đánh giá sơ bộ.


    Dự án Arbitrum

    Dự án Arbitrum. Nguồn: CoinGecko


    Lấy ví dụ, dự án Arbitrum mới được ra mắt gần đây có tổng cung 10 tỷ token. Giá hiện tại dao động khoảng 1,62 USD. Với tổng cung đang lưu hành vào khoảng 1,3 tỷ token thì vốn hóa của nó vào khoảng 2,1 tỷ USD. Nếu có một dự án khác cạnh tranh với Arbitrum trong thời gian tới thì nó sẽ cố gắng để đạt được mức vốn hóa tương tự. Do đó, dựa trên tỷ lệ phát hành, chúng ta có thể phần nào dự đoán được mức giá mà nó có thể đạt được.


    Cuối cùng, một số người sẽ chú trọng đến đội ngũ phát triển dự án. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện nay, đội ngũ phát triển của họ hoàn toàn ẩn danh. Do đó, thay vì quan tâm đến đội ngũ, hãy chú ý đến các nhà đầu tư hoặc những tổ chức hỗ trợ (backer) đằng sau dự án đó. Mặc dù nó không phải là tất cả nhưng đây sẽ là những bảo chứng đáng tin cậy đầu tiên về dự án mà bạn có thể bám vào.


    5. Xem white paper ở đâu?

    Để đảm bảo bạn không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, hãy tìm kiếm white paper tại trang chủ chính thức của dự án đó.


    Một số dự án sẽ tải sách trắng lên chính trang web của họ, một số khác lại sử dụng các nền tảng thứ 3 (như Medium) để lưu trữ sách trắng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, trên trang web chính thức của họ đều có link dẫn trực tiếp đến các nền tảng thứ 3 đó.


    6. Những rủi ro cần lưu ý khi sử dụng white paper?

    Như mình đã chia sẻ ở trên, white paper chỉ là bước tiếp xúc ban đầu của bạn với dự án cũng như đội ngũ của dự án đó. Không giống như việc đọc báo cáo tài chính trước khi đầu tư vào một công ty truyền thống, không có cách nào tuyệt đối có thể xác thực được tính nghiêm túc của các dự án trong giai đoạn đầu này. Do đó, có 2 rủi ro thường thấy khi sử dụng white paper như sau:


    • Đó chỉ là “bánh vẽ” của một cá nhân hoặc tổ chức ẩn danh nào đó giống như trường hợp ICO năm 2017-2018 kể trên. Dự án đó không có gì ngoài bản sách trắng. Sau khi bán token cho NĐT, người tạo ra nó có thể cuỗm đi toàn bộ số tiền và bỏ trốn.


    • Thông tin trên sách trắng và thực tế khi triển khai hoàn toàn khác nhau. Lấy ví dụ, sách trắng công bố sẽ khóa token sau khi phân phối cho các NĐT sớm là 12 tháng với thời gian mở khóa hàng tháng. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, bằng một cách nào đó mà dự án cho phép mở khóa cùng lúc để dump giá rồi bỏ trốn.


    Để hạn chế thiệt hai do những rủi ro này gây ra, ngoài việc quan tâm đến backer của dự án, bạn nên:


    • Theo dõi và cập nhật thông tin về dự án trên các kênh mạng xã hội như Twitter hoặc Discord… để thu thập nhiều thông tin nhất có thể về dự án đó. Phần lớn các dự án trong giai đoạn đầu thường tổ chức các buổi AMA hoặc tổ chức các Space trên Twitter như những cách để tương tác với cộng đồng.


    • Nếu bạn biết các kênh liên lạc với những founder của dự án đó, hãy thử liên lạc với họ để hỏi đáp về những điều bạn quan tâm hoặc còn khúc mắc sau khi đọc white paper. Nếu họ không nhiệt tình với các câu hỏi của bạn, nó có thể là một điểm trừ.


    7. Lời kết

    Tóm lại, thông qua white paper, bạn sẽ có thể hiểu một cách sơ bộ nhất về những gì dự án Crypto đó dự định làm. Nó là bước đầu giúp bạn làm quen và đánh giá tính khả thi của dự án đó. Ngoài ra, để hạn chế những rủi ro gặp phải khi sử dụng sách trắng, trước khi xuống tiền đầu tư cho bất kỳ dự án nào, hãy thu thập nhiều nguồn thông tin khác về nó để có cái nhìn khách quan nhất.


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad