CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Smart contract là gì? Những điểm khác biệt giữa hợp đồng thông minh và hợp đồng truyền thống

    18 Phút
    Cập nhật 28/06/2023 08:05

    Các hợp đồng thông minh có khả năng giảm đáng kể chi phí giao dịch, loại bỏ nhu cầu về người trung gian và tự động hóa rất nhiều hoạt động ký kết hợp đồng. 


    Trong lĩnh vực tiền điện tử, smart contract được xem như là một biểu tượng không thể thiếu. Tuy nhiên, việc triển khai chúng vẫn còn gặp nhiều rào cản cũng như khó khăn nhất định.


    1. Smart contract là gì?

    Smart contract hay tiếng Việt được gọi là hợp đồng thông minh. Về cơ bản, nó được hiểu đây đơn giản là một chương trình máy tính hoặc một giao thức thực thi dưới dạng các đoạn mã (code). 


    Người ta thường sử dụng smart contract để tự động hóa việc thực hiện một thỏa thuận bất kỳ, trong đó tất cả những người tham gia có thể ngay lập tức biết chắc chắn về kết quả mà không có bất kỳ sự tham gia của một bên trung gian nào. Nói một cách rộng hơn thì smart contract có thể tự động hóa quy trình làm việc, kích hoạt hành động tiếp theo khi các điều kiện được đáp ứng.


    Dựa vào khái niệm mà mình vừa chia sẻ ở trên, chúng ta có thể thấy một trong những lý do giải thích cho sự ra đời của hợp đồng thông minh là giảm nhu cầu về trung gian đáng tin cậy. Lấy ví dụ, trong cuộc sống thường ngày, giao dịch giữa bên A và bên B sẽ được ràng buộc với nhau bởi hợp đồng và được pháp luật bảo vệ. 


    Trường hợp một trong hai bên không tuân thủ theo những điều khoản trong hợp đồng đó, bên còn lại có thể khởi kiện để đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Điều này phát sinh nhu cầu về một bên trung gian đáng tín cậy (toà án hoặc các cơ quan có thẩm quyền) đứng ra giải quyết tranh chấp.


    Nhưng với smart contract thì khác. Tính tự động hoá giúp loại bỏ vai trò của bên trung gian thứ 3. Vẫn dựa trên những thoả thuận giữa 2 bên A và B nhưng các thoả thuận được mã hoá vào trong hợp đồng và điều quan trọng là chúng được thực thi hoàn toàn tự động khi những điều kiện đặt ra ban đầu được đáp ứng.


    Một ví dụ tương đồng với smart contract trong đời sống thực tại là máy bán nước tự động. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tiền điện tử (Crypto), hợp đồng thông minh thường được liên kết với tiền điện tử và hợp đồng thông minh do Ethereum giới thiệu thường được xem như là nền móng ban đầu cho các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi)NFT.


    2. Ưu, nhược điểm của smart contract

    Ưu điểm

    Ngoài việc loại bỏ nhu cầu của một bên thứ 3 trung gian, từ đó giúp tiết kiệm chi phí, smart contract còn có một số ưu điểm sau đây:


    • Tính chính xác: Vì là một đoạn code thực thi nên smart contract sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố cảm xúc. Hai bên sẽ cùng thực hiện đúng như những gì đã thoả thuận ban đầu. Nếu trước đó bên A đồng ý bán cho bên B 1 ETH với định giá 1,000 USD vào một ngày bất kỳ thì khi đến hạn, giao dịch đó sẽ tự động được diễn ra bất chấp giá cả hiện tại trên thị trường như thế nào.


    • Khả năng ứng dụng rộng rãi: Nhờ vào tính tự động hoá mà smart contract có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả tiền điện tử. Nếu chỉ tính riêng trong Crypto, ngoài DeFi và NFT mà mình nói đến ở trên, bạn có thể thấy sự hiện diện của smart contract trong nhiều lĩnh vực khác như GameFi, SocialFi…


    • Tính an toàn: Smart contract trong tiền điện tử là trường hợp dữ liệu được lưu trữ trên blockchain công khai và được sao chép nhiều lần. Do đó, bản gốc có thể được khôi phục trong trường hợp mất dữ liệu.


    Nhược điểm:

    Mang trong mình những ưu điểm được xem như là những tiến bộ của công nghệ, tuy nhiên, smart contract không phải là không có những nhược điểm nhất định. Cụ thể:


    • Khả năng bị tấn công mạng (hack): Hãy nhớ rằng bản chất của hợp đồng thông minh là các đoạn mã. Trong đó, con người là thực thể xây dựng lên đoạn mã đó. Điều này dẫn đến việc hoàn toàn có thể xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng và những kẻ tấn công (hacker) có thể lợi dung điều này để trục lợi cá nhân.


      Có không ít các vụ hack trong lĩnh vực Crypto từ trước đến nay. Bản thân mạng Bitcoin cũng đã từng là nạn nhân của một vụ tấn công khi mà cơ chế chỉ cho phép tạo ra 21 triệu BTC tồn tại lỗ hỗ và hacker có thể “in" bao nhiêu BTC tuỳ muốn. May mắn là Satoshi Nakamoto đã phát hiện và xử lý được vấn đề này kịp thời, xoá bỏ đi lượng BTC được phát hành sai nên hiện tại chúng ta mới chỉ có duy nhất 21 triệu BTC được tạo ra mà thôi.


    • Khó có thể thay đổi: Những gì được đưa vào smart contract sẽ gần như trở nên bất biến. Điều này đôi khi cũng có những giới hạn của riêng nó. Khi cả 2 bên cùng đồng thuận thay đổi một thoả thuận, smart contract sẽ cần phải được cập nhật lại và loại bỏ những yếu tố trước đó để một giao dịch có thể thực thi theo ý muốn.


    • Hạn chế về khả năng mở rộng quy mô: Các nền tảng chuỗi khối với hợp đồng thông minh hiện gặp một vấn đề về khả năng mở rộng, cụ thể là số lượng giao dịch mà mạng có thể xử lý trong bất kỳ giây nào. Lấy ví dụ, Ethereum hiện chỉ có thể thực hiện từ 12 - 15 giao dịch mỗi giây (TPS). Việc cân bằng giữa các yếu tố gồm phi tập trung, khả năng mở rộng và bảo mật đã và đang tạo ra những rào cản nhất định này.


    Ngoài ra, một trong những nhược điểm lớn nhất của smart contract tính đến thời điểm hiện tại liên quan đến vấn đề pháp lý. Hiện tại, hợp đồng thông minh thường không cấu thành một thỏa thuận ràng buộc hợp lệ theo luật. 


    Để dễ hiểu hơn thì hợp đồng thông minh không phải là thỏa thuận pháp lý, mà là phương tiện thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ thỏa thuận có thể được thực hiện tự động bởi chương trình máy tính. Điều đó có nghĩa là trong phần lớn các giao dịch hiện tại, nó chỉ được dùng như một phương tiện thực thi và chưa thể thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống.


    3. Smart contract hoạt động như thế nào?

    Giải thích đơn giản nhất về cách thức hoạt động của smart contract đó là việc bạn vạch ra các tình huống nhất định và đưa chúng vào trong hợp đồng thông minh. Khi các giao dịch được thực hiện thông qua smart contract, nếu nó đáp ứng đúng điều kiện đã đặt ra thì giao dịch sẽ bị thực thi. Ngược lại, nếu không đáp ứng đúng nó sẽ bị từ chối.


    Tuy nhiên, ở góc nhìn kỹ thuật hơn chúng ta có thể hình dung cách thức vận hành một cách tổng quan nhất của nó trên môi trường blockchain như sau:


    • Hợp đồng thông minh hoạt động bằng cách tuân theo các câu lệnh đơn giản “if/when…then…” được viết thành mã trên chuỗi khối.


    • Sẽ có một mạng máy tính thực hiện các hành động khi các điều kiện xác định trước đã được đáp ứng và xác minh.


    • Chuỗi khối sau đó được cập nhật khi giao dịch hoàn tất. Điều đó có nghĩa là giao dịch không thể thay đổi và mọi thứ sẽ trở nên bất biến. 


    Mô hình hoạt động của smart contract

    Mô hình hoạt động của smart contract. Nguồn: geeksforgeeks


    Dựa trên lược đồ trên, smart contract sẽ được vận hành với các bước cơ bản như sau:


    • Xác định thoả thuận: Đây là các điều kiện cũng như kết quả mong muốn giữa các bên tham gia.


    • Đặt điều kiện: Các điều kiện này sau khi thống nhất sẽ được đặt vào hợp đồng thông minh để sẵn sàng thực thi.


    • Logic nghiệp vụ: Một chương trình máy tính được viết sẽ được thực thi tự động khi các tham số có điều kiện được đáp ứng.


    • Công nghệ mã hoá và blockchain: Mã hóa cung cấp xác thực an toàn và chuyển thông điệp giữa các bên liên quan đến hợp đồng thông minh.


    • Thực thi và xử lý: Bất cứ khi nào đạt được sự đồng thuận giữa các bên liên quan thì mã sẽ được thực thi và kết quả được ghi lại để tuân thủ và xác minh.


    • Cập nhật mạng: Sau khi hợp đồng thông minh được thực thi, tất cả các nút trên mạng sẽ cập nhật sổ cái của chúng để phản ánh trạng thái mới.


    Chú ý, trong trường hợp truyền thống (ví dụ như mô hình máy bán nước tự động), nó chỉ dừng lại ở việc đặt điều kiện và thực thi dựa trên các điều kiện được đặt ra đó. Sẽ không có yếu tố cập nhật lên các mạng blockchain như lược đồ ở trên. 


    Nói tóm lại, trong một hợp đồng thông minh, có thể có nhiều quy định cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia. Để thiết lập các điều khoản, người tham gia phải xác định cách các giao dịch và dữ liệu của họ được thể hiện trên chuỗi khối, đồng ý với các quy tắc “if/when…then…” kể trên. Họ sẽ cần phải xác định nhiều nhất các trường hợp có thể xảy ra cũng như xác định khuôn khổ để giải quyết tranh chấp.


    4. So sánh smart contract (hợp đồng thông minh) với hợp đồng truyền thống

    Để giúp bạn dễ hiểu hơn, chúng ta hãy theo dõi bảng dưới đây để thấy sự khác biệt giữa hai hình thức này nhé.


    Tiêu chí so sánh

    Hợp đồng thông minh

    Hợp đồng truyền thống

    Chức năng

    Cả hợp đồng thông minh và hợp đồng truyền thống đều là những công cụ giúp giám sát và thực thi/hỗ trợ thực thi cho các giao dịch có thể diễn ra đúng như những gì đã được thoả thuận trước đó. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá sự đúng/sai cũng như trách nhiệm thực hiện giữa các bên tham gia.


    Hình thức

    Là một chương trình máy tính được xây dựng dựa trên những đoạn code.

    Là một hợp đồng dưới hình thức giấy hoặc điện tử.

    Đơn vị trung gian 

    Không cần đơn vị trung gian. Hợp đồng thông minh giúp cho việc thực thi hoàn toàn tự động khi các bên đáp ứng đúng điều kiện đã đặt ra trước đó. 

    Cần một đơn vị trung gian đứng ra giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra giữa các bên. Lúc này, đơn vị trung gian sẽ dựa trên những thoả thuận được thể hiện trong hợp đồng để ra phán quyết đúng/sai cho phù hợp. 

    Giới hạn khả năng mở rộng

    Smart contract dựa trên công nghệ nên nó mang đến khả năng mở rộng không giới hạn và có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả Crypto.

    Vì hình thức của nó là các hợp đồng giấy hay điện tử nên khả năng mở rộng của hình thức truyền thống này sẽ bị hạn chế. Một số lĩnh vực mới như Crypto sẽ không thể áp dụng được hình thức này.

    Tính pháp lý

    Chỉ được xem như một dạng công cụ giúp thực thi các thoả thuận được thống nhất trước đó. Để được pháp luật công nhận và bảo vệ tính hợp pháp, nó vẫn cần có một hợp đồng hoặc thoả thuận truyền thống đi kèm.

    Hợp đồng truyền thống hiện có đầy đủ pháp lý để được pháp luật bảo vệ.

    5. Ứng dụng thực tế của smart contract

    Như chúng ta đã chia sẻ ngay ở đầu bài viết, smart contract không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tiền điện tử. Trên thực tế, hợp đồng thông minh lần đầu tiên được đề xuất vào đầu những năm 1990 bởi Nick Szabo. Tính đến thời điểm hiện tại, smart contract kết hợp với blockchain được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe đến chuỗi cung ứng đến dịch vụ tài chính. Một số ví dụ như sau:


    • Chăm sóc sức khỏe: Blockchain có thể lưu trữ hồ sơ sức khỏe được mã hóa của bệnh nhân bằng khóa riêng (private key). Những nghiên cứu có thể được tiến hành bí mật và an toàn bằng cách sử dụng hợp đồng thông minh. Tất cả biên lai bệnh viện của bệnh nhân có thể được lưu trữ trên blockchain và tự động chia sẻ với các công ty bảo hiểm làm bằng chứng dịch vụ. 


    • Chuỗi cung ứng: Blockchain cũng có thể lưu trữ toàn bộ các thông tin liên quan trong chuỗi cung ứng hàng hoá và dịch vụ truyền thống. Nói cách khác, toàn bộ số liệu, giấy tờ, quy trình sẽ được số hoá trên blockchain. Trong đó, hợp đồng thông minh có thể được sử dụng để quản lý hàng tồn kho và tự động hóa các khoản thanh toán…


    • Dịch vụ tài chính: Chúng ta có thể thấy nhiều dịch vụ truyền thống được hiện thực hoá trên blockchain thông qua các ứng dụng DeFi (Dapp). Các dịch vụ vay và cho vay tiền điện tử như Aave hay Compound là một ví dụ. Hai người không quen biết vẫn có thể thực hiện các giao dịch vay tiền xuyên biên giới mà gần như không lo sợ bị mất tiền hay cần phải gặp mặt trực tiếp như cách làm truyền thống.


    6. Tương lai của smart contract?

    Như thường lệ, thật khó để chúng ta có thể khẳng định chắc chắn một điều gì đó chưa diễn ra. Tuy nhiên, dựa trên những đặc tính của smart contract kết hợp với những tiềm năng của thị trường tiền điện tử nói riêng, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào một tương lai tươi sáng đối với loại hình này.


    Đầu tiên, trong lĩnh vực tiền điện tử, kể từ khi Bitcoin ra đời, Ethereum được xem như là mạng lưới đầu tiên tích hợp smart contract và mở ra một thế giới mới với nhiều các Dapp được phát triển trên đó. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các mạng lưới tích hợp smart contract ngày một nhiều với các tên mới như Solana, Polygon hay BNB Chain… 


    TVL của các nền tảng blockchain

    TVL của các nền tảng blockchain. Nguồn: DefiLlama


    Theo dữ liệu được ghi nhận từ DefiLlama, tổng giá trị bị khoá (TVL) trên các nền tảng blockchain hiện lên tới con số 49,6 tỷ USD. Thời kỳ đỉnh cao khi thị trường Crypto đầy hưng phấn (vào giai đoạn cuối năm 2021), con số này đã từng đạt tới mức gần 180 tỷ USD. Nhờ sự trợ lực của smart contract đã khiến cho việc có thêm nhiều Dapp xuất hiện, từ đó thu hút thêm dòng vốn vào thị trường này.


    Tiếp đến, sự chấp nhận của các tổ chức truyền thống đối với công nghệ blockchain cũng là mở ra nhiều cơ hội hơn cho tương lai của smart contract. Như mình đã chia sẻ ở trên, smart contract có thể tự động hoá quy trình vận hành truyền thống, giảm thiểu sự hiện diện của các thực thể trung gian từ đó giúp tối ưu hiệu suất. 


    Như vậy, khi công nghệ blockchain phát triển, các chuỗi cung ứng, ngành nghề dịch vụ ứng dụng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh có thể được hưởng lợi từ những điều này. Tuy nhiên, vì đây là một công nghệ mới và nó sẽ cần thời gian để chứng minh được tính hiệu quả nên có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để chúng ta có thể thấy sự phổ biến của smart contract trong cuộc sống hàng ngày.


    7. Lời kết

    Với những lợi điểm mà smart contract mang lại, nó được xem như là một công nghệ đầy hứa hẹn cho tương lai. Bất kỳ thành viên nào của mạng đều có thể xem các điều khoản của hợp đồng và cách chúng được thực hiện, không chỉ các bên ký kết. 


    Mặc dù vậy, không phải ai cũng dễ dàng thích nghi và làm quen với nó ngay từ đầu. Trong khi nhiều người tin rằng hợp đồng thông minh là con đường của tương lai, vẫn còn nhiều nghi ngờ cũng như khúc mắc mà loại hình này cần phải giải quyết để có thể “len lỏi" sâu hơn vào các khía cạnh của thị trường truyền thống. 


    Chỉ có thời gian mới cho biết liệu công nghệ này có thể mở rộng hay không nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại chúng ta đã và đang thấy được những lợi ích mà nó mang lại cho lĩnh vực Crypto nói riêng.


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad