CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Chỉ số P/B là gì? Cách sử dụng chỉ số P/B trong giao dịch chứng khoán

    12 Phút
    Cập nhật 29/06/2023 06:36
    Nguyen Hoang Phu

    Trong thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư thường sử dụng nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá giá trị của một công ty. Một trong những chỉ số quan trọng đó là chỉ số P/B. Đây là một chỉ số cơ bản cho thấy mức độ định giá của một công ty và có thể cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư về giá trị tiềm năng của một cổ phiếu.


    Vậy chỉ số P/B là gì? Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về chỉ số P/B và cách sử dụng nó trong giao dịch đầu tư chứng khoán.


    1. Chỉ số P/B là gì?

    Chỉ số P/B (Price-to-Book ratio) là một chỉ số định giá cổ phiếu được sử dụng trong phân tích đầu tư, dựa trên tỷ lệ giá trị thị trường của cổ phiếu một công ty so với giá trị tài sản (giá trị sổ sách)  trên báo cáo tài chính của công ty đó.


    Đặc điểm chỉ số P/B:


    •  Tính toán đơn giản và khả thi: Chỉ số P/B là một chỉ số đơn giản và dễ tính toán, do đó nó được sử dụng rộng rãi trong phân tích đầu tư. Giá trị tài sản của một công ty có sẵn trong báo cáo tài chính, do đó chỉ số P/B có tính khả thi và có thể được tính toán bất cứ lúc nào.


    • Chỉ số P/B càng thấp cho thấy cổ phiếu càng rẻ so với giá trị sổ sách, và ngược lại. Tuy nhiên, chỉ số P/B không nên xem xét đơn lẻ mà phải so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành hoặc cùng kỳ vọng tăng trưởng.


    • Thích hợp cho các ngành công nghiệp khác nhau: Chỉ số P/B thường được sử dụng để đánh giá các công ty trong các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả các công ty sản xuất, dịch vụ tài chính và thương mại bán lẻ.


    • Dễ bị ảnh hưởng:  Giá trị sổ sách của một công ty phụ thuộc vào các yếu tố như khấu hao tài sản, cách ghi nhận kế toán của công ty, điều đó có thể dẫn đến sự khác biệt trong giá trị sổ sách của các công ty tương tự.




    2. Cách tính chỉ số P/B như thế nào?

    Chỉ số P/B được tính bằng cách chia thị giá cổ phiếu của công ty cho giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu.


    Công thức:


    P/B = Thị giá cổ phiếu / Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu


    Trong đó:

    - Thị giá cổ phiếu: là giá cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường tại thời điểm tính toán.

    - Giá trị số sách trên mỗi cổ phiếu được tính theo công thức:


    Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu = (Tổng giá trị tài sản – Tổng Nợ) / Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành


    Như vậy, để tính được chỉ số P/B, chúng ta cần các dữ liệu sau:

    - Thị giá cổ phiếu tại thời điểm tính toán.

    - Tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán.

    - Tổng nợ trên bảng cân đối kế toán.

    - Tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên bảng báo cáo vốn chủ sở hữu của cổ đông trong báo cáo tài chính. 


    Ví dụ: Tính chỉ số P/B Q4/2022 của công ty Amazon

    Bảng cân đối kế toán Q4/2022 công ty Amazon

    Bảng cân đối kế toán Q4/2022 công ty Amazon (Nguồn: Amazon)


    Báo cáo vốn chủ sở hữu cổ đông Q4/2022 công ty Amazon

    Báo cáo vốn chủ sở hữu cổ đông Q4/2022 công ty Amazon (Nguồn: Amazon)


    Dữ liệu thị giá giao dịch công ty Amazon

    Dữ liệu thị giá giao dịch công ty Amazon (Nguồn: Investing.com)


    Từ các dữ liệu trên và theo công ty tính P/B ta có:


    Tổng tài sản

    462.675 triệu USD

    Tổng nợ

    316.632 triệu USD

    Tổng cổ phiếu đang lưu hành

    10.242 triệu cổ phiếu

    Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu

    (462.675-361.632)/10.242 = 14,259 USD

    Thị giá ngày 30/12/2022

    84 USD

    P/B

    84/14,259 = 5,89


    Hiện nay có rất nhiều trang web tài chính cung cấp sẵn chỉ số P/B của các doanh nghiệp như Tradingview, Investing.com, Yahoo! Finance… Trader có thể dễ dàng tra cứu mà không cần tự tính toán. 


    3. Ý nghĩa của chỉ số P/B

    Chỉ số P/B có nhiều ý nghĩa đối với các nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp trong việc đánh giá giá trị cổ phiếu của công ty, cụ thể:


    - Cho biết mức độ định giá của cổ phiếu: Chỉ số P/B giúp đánh giá giá trị thị trường của một công ty so với giá trị sổ sách của công ty. Nếu P/B cao hơn 1, có thể cho thấy cổ phiếu được định giá cao hơn giá trị sổ sách, ngược lại, nếu P/B thấp hơn 1, có thể cho thấy cổ phiếu được định giá thấp hơn giá trị sổ sách.


    - Cho biết mức độ rủi ro của đầu tư: Chỉ số P/B càng thấp thì cổ phiếu đó càng được coi là rủi ro thấp hơn trong việc đầu tư, vì nó được định giá gần với giá trị sổ sách.


    - Đánh giá khả năng sinh lời của một công ty: Chỉ số P/B có thể giúp đánh giá khả năng tăng trưởng và sinh lời của công ty trong tương lai. Nếu chỉ số P/B thấp hơn giá trị trung bình của ngành hoặc so với các công ty đối thủ, có thể cho thấy công ty đó có tiềm năng tăng trưởng và sinh lời trong tương lai.


    - So sánh giá trị của một công ty với giá trị trung bình của ngành hoặc so sánh với các công ty đối thủ cạnh tranh khác: Chỉ số P/B cũng được sử dụng để so sánh giá trị của một công ty với giá trị trung bình của toàn ngành hoặc so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác trong ngành. Nếu chỉ số P/B của công ty đó thấp hơn so với giá trị trung bình của ngành hoặc so với các đối thủ cạnh tranh khác, điều đó có thể cho thấy công ty đó đang được định giá thấp hơn so với các công ty khác trong cùng ngành hoặc so với các đối thủ cạnh tranh.


    - Đánh giá tình trạng tài chính của một công ty: Chỉ số P/B có thể cho thấy mức độ tài chính của công ty. Nếu chỉ số P/B cao hơn giá trị trung bình của ngành hoặc so với các công ty đối thủ, có thể cho thấy công ty đó đang có nhiều tài sản tài chính hơn so với các công ty cùng ngành. Ngược lại, nếu chỉ số P/B thấp hơn giá trị trung bình của ngành hoặc so với các công ty đối thủ, có thể cho thấy công ty đó có tình hình tài chính yếu hơn.


    Tuy nhiên, chỉ số P/B cần kết hợp với các chỉ số tài chính khác để có thể đánh giá toàn diện và hiệu quả hơn về tình trạng tài chính của công ty.


    4. P/B cao hay thấp thì tốt khi giao dịch chứng khoán?

    Khó có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi “P/B cao hay thấp thì tốt?” vì điều này phụ thuộc vào mỗi công ty và ngành công nghiệp mà nó hoạt động. Mặc dù nhiều nhà đầu tư giá trị và phân tích thị trường cho rằng giá trị P/B < 1,0 được xem là cổ phiếu bị định giá thấp và hấp dẫn nhưng điều này không thực sự đúng nếu công ty đó hoạt động không hiệu quả hoặc số liệu tài chính khác như ROA, P/E, ROE… không tốt.


    Chỉ số P/B cao xảy ra khi giá cổ phiếu của công ty tăng nhanh hơn giá trị sổ sách của nó và ngược lại.


    Ngoài ra, chỉ số P/B của một công ty nên được so sánh với các công ty khác trong ngành và so sánh với chỉ số P/B của ngành mà nó đang hoạt động:


    - P/B cao hơn trung bình ngành có thể cho thấy rằng thị trường đang đánh giá cao giá trị tài sản hữu hình của công ty so với ngành. Điều này có thể do nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như độc quyền thương hiệu, năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hoặc sự phát triển tốt của công ty. Tuy nhiên, nếu P/B quá cao so với ngành hoặc đối thủ cạnh tranh, nó có thể cho thấy rằng thị trường đã đánh giá quá mức giá trị tài sản của công ty.


    - P/B thấp hơn trung bình ngành có thể cho thấy rằng thị trường đang đánh giá thấp giá trị tài sản của công ty so với ngành. Điều này có thể do các vấn đề tài chính, kinh doanh hay các vấn đề khác trong công ty. Tuy nhiên, nếu P/B quá thấp so với ngành hoặc đối thủ cạnh tranh, nó có thể cho thấy rằng cổ phiếu của công ty đang bị định giá quá thấp.


    Vì vậy, để đánh giá một công ty, chúng ta nên sử dụng nhiều chỉ số khác nhau, cùng với việc nghiên cứu sâu hơn về tình hình kinh doanh, tài chính và các yếu tố khác trong công ty.


    5. Ưu nhược điểm của chỉ số P/B

    Để sử dụng chỉ số P/B hiệu quả, trader cũng cần nắm được các ưu nhược điểm của chỉ số này. Dưới đây là các ưu và nhược điểm của chỉ số P/B:


    Ưu điểm:

    • - Giá trị sổ sách là một số liệu thường có sẵn và dễ dàng truy cập: Giá trị sổ sách được công bố trong báo cáo tài chính hàng quý hoặc hàng năm của công ty, do đó, các nhà đầu tư có thể dễ dàng truy cập và sử dụng để tính toán chỉ số P/B.


    • - Chỉ số P/B có thể giúp nhà đầu tư đánh giá giá trị của một công ty dựa trên tài sản hữu hình: Giá trị sổ sách thể hiện giá trị tài sản của công ty, và chỉ số P/B cho phép nhà đầu tư đánh giá giá trị của công ty dựa trên tài sản hữu hình đó. Vì thế, chỉ số P/B thích hợp sử dụng để đánh giá giá trị của các công ty mới thành lập hoặc các công ty chưa có lợi nhuận, vì nó tập trung vào giá trị tài sản sổ sách của công ty.


    • - Chỉ số P/B thường được sử dụng để so sánh giá trị của một công ty với các công ty cùng ngành hoặc với trung bình ngành: Chỉ số P/B giúp nhà đầu tư so sánh giá trị của một công ty với các công ty cùng ngành hoặc với trung bình ngành, từ đó đánh giá vị thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng của công ty.


    • - Tính ổn định: Chỉ số P/B thường ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tạm thời như lợi nhuận và doanh thu và có xu hướng ổn định hơn so với một số chỉ số khác như P/E ratio (Price-to-Earnings Ratio).


    Nhược điểm:

    • - Không xét đến giá trị tài sản vô hình: Giá trị sổ sách chỉ tính toán các giá trị tài sản hữu hình của công ty mà không xem xét giá trị của các tài sản vô hình, như thương hiệu, sáng chế… Điều này có thể làm giảm độ chính xác của chỉ số P/B, đặc biệt đối với các công ty dịch vụ hoặc công nghệ, trong đó giá trị tài sản vô hình thường chiếm phần lớn giá trị thực tế của công ty.


    • - Không phản ánh khả năng sinh lời của công ty: Chỉ số P/B không phản ánh khả năng sinh lời của công ty và không đánh giá được tình hình kinh doanh và tương lai của công ty. Ví dụ, một công ty có giá trị sổ sách cao có thể chỉ phản ánh việc tích trữ tài sản mà không có tăng trưởng trong doanh thu hoặc lợi nhuận.


    • - Có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác: Giá trị P/B có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như tâm lý thị trường, thời điểm tính toán, hoạt động kế toán của công ty… Chẳng hạn, giá trị P/B của một công ty có thể tăng lên chỉ vì các nhà đầu tư quan tâm đến ngành hoặc vì đầu tư chứ không phản ánh giá trị thực tế của công ty.


    • - Không phù hợp với một số loại công ty: Chỉ số P/B không phù hợp với một số loại công ty, như các công ty tài chính hay công ty bất động sản, trong đó tài sản hữu hình chiếm phần lớn giá trị tài sản của công ty. Do đó, sử dụng chỉ số P/B để đánh giá giá trị của các công ty này có thể không chính xác.


    • - P/B không phù hợp để so sánh các công ty trong các ngành khác nhau, vì mỗi ngành có mức P/B trung bình khác nhau.


    6. Lời kết

    Thông qua bài viết, hy vọng bạn đọc có thể nắm được những thông tin cần thiết về chỉ số P/B và cách sử dụng nó trong giao dịch thị trường chứng khoán.


    Chỉ số P/B là một trong những chỉ số định giá cơ bản để so sánh thị giá cổ phiếu của một công ty với giá trị sổ sách, tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm và chỉ nên được coi là một trong nhiều yếu tố phân tích cơ bản trong đầu tư, không nên dựa vào chỉ số này một cách đơn lẻ để ra quyết định mua bán.


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad