Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    ROA là gì? Cách sử dụng ROA trong phân tích tiềm năng cổ phiếu

    13 Phút
    Cập nhật 29/06/2023 06:55

    Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, phân tích chỉ số tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp các nhà đầu tư và các chuyên gia tài chính đưa ra quyết định đúng đắn và hiệu quả. Một trong những chỉ số phổ biến nhất được nhiều nhà đầu tư quan tâm là ROA.


    Vậy ROA là gì? Ý nghĩa của chỉ số ROA và cách sử dụng nó trong việc đánh giá hiệu quả doanh nghiệp hay tiềm năng của cổ phiếu thế nào? Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ chi tiết các thông tin cần thiết về ROA.


    1. Chỉ số ROA là gì?

    ROA là viết tắt của "Return on Assets" (Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản), là một chỉ số tài chính dùng để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản của một công ty để tạo ra lợi nhuận. Chỉ số ROA cho biết tỷ lệ lợi nhuận thu được trên mỗi đơn vị tài sản mà doanh nghiệp sở hữu.


    Đặc điểm của chỉ số ROA:

    • - Không phụ thuộc vào kích thước của công ty: ROA có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các công ty có kích thước khác nhau. Tuy nhiên, ROA có thể bị ảnh hưởng bởi cách công ty tính giá trị tài sản và lợi nhuận.Chỉ số ROA có thể được so sánh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc cùng kích thước để đánh giá hiệu quả hoạt động. 


    • - Chỉ số đơn giản và dễ hiểu: ROA là một chỉ số đơn giản và dễ hiểu, không cần nhiều kiến thức chuyên môn để tính toán và hiểu ý nghĩa của nó.


    • - Các công ty có ROA cao thường có ít tài sản liên quan đến việc tạo ra lợi nhuận như các công ty trong ngành dịch vụ.


    • - Các công ty có ROA thấp thường có nhiều tài sản liên quan đến việc tạo ra lợi nhuận như các công ty sản xuất, công nghiệp nặng.


    • - Chỉ số ROA có thể được tính theo quý hoặc theo năm. 


    2. Cách tính ROA như thế nào?

    Chỉ số ROA được tính bằng cách chia lợi nhuận thu được của doanh nghiệp cho tổng số tài sản của nó.


    Công thức:


    ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng số tài sản bình quân


    Hoặc

    ROA = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng tài sản cuối kỳ


    Trong đó:

    -        Lợi nhuận sau thuế (Net income): là tổng lợi nhuận ròng mà công ty đã kiếm trong thời kỳ báo cáo sau khi trừ các khoản thuế phải nộp và lãi suất.


    -        Tổng số tài sản bình quân (Total average asset): bình quân của tài sản đầu kỳ và cuối kỳ báo cáo (bao gồm tất cả các tài sản của công ty, bao gồm cả tài sản cố định (như nhà xưởng, máy móc, thiết bị...) và tài sản lưu động (như hàng tồn kho, tiền mặt, tài khoản ngân hàng, các khoản đầu tư ngắn hạn...).


    -        Tổng tài sản cuối kỳ (Total end of period assets): là tổng tài sản của doanh nghiệp được xác định vào cuối kỳ báo cáo.

    Trader có thể tìm được giá trị lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo kết quả kinh doanh và tổng tài sản trên Bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính của một doanh nghiệp. 


    Ví dụ: 

    Bảng cân đối kết toán của Apple Inc.

    Bảng cân đối kết toán của Apple Inc. (Nguồn: Apple Inc)


    Báo cáo kết quả kinh doanh của Apple Inc

    Báo cáo kết quả kinh doanh của Apple Inc. (Nguồn: Apple Inc)


    Theo dữ liệu trên thì ROA của Apple Inc. năm 2022 được tính như sau:


    ROA = 99.803/352.755 = 28,29% 

    Hoặc 

    ROA = 99.803/ ((352.755 + 351.002)/2) = 28,36%


    Hiện nay có rất nhiều trang web tài chính cung cấp sẵn chỉ số ROA các doanh nghiệp như Tradingview, Investing.com, Yahoo! Finance… 


    3. Ý nghĩa của chỉ số ROA

    Chỉ số ROA có ý nghĩa rất lớn trong việc phân tích và so sánh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp khác nhau. Chỉ số này giúp nhà đầu tư, người quản lý và các bên liên quan có cái nhìn tổng quan về khả năng sinh lời của doanh nghiệp dựa trên nguồn vốn sẵn có. Chỉ số ROA cũng phản ánh được mức độ quản lý và sử dụng tài sản của doanh nghiệp, cụ thể:


    • - Đánh giá khả năng tạo lợi nhuận của tài sản: ROA giúp đánh giá khả năng tài sản của công ty tạo ra lợi nhuận. Nếu ROA cao tức là công ty đang sử dụng tài sản của mình một cách hiệu quả để tạo ra lợi nhuận.


    • - Đánh giá hiệu quả kinh doanh của công ty: ROA là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của công ty. Nếu ROA cao, tức là công ty đang làm việc hiệu quả hơn để tạo ra lợi nhuận.


    • - Dùng để so sánh hiệu quả giữa các công ty: ROA được sử dụng để so sánh hiệu quả giữa các công ty trong cùng ngành hoặc so sánh với ngành công nghiệp trung bình. Chỉ số ROA cao hơn so với ngành công nghiệp trung bình có thể cho thấy công ty đó đang làm việc hiệu quả hơn so với các đối thủ cạnh tranh của nó.


    • - Đưa ra quyết định đầu tư, cho vay và hợp tác kinh doanh với công ty: ROA là một chỉ số tài chính quan trọng giúp nhà đầu tư, ngân hàng và các bên liên quan khác đưa ra quyết định đầu tư, cho vay và hợp tác kinh doanh với công ty.


    • - Đánh giá mức độ đầu tư của công ty vào tài sản: ROA cũng có thể được sử dụng để đánh giá mức độ đầu tư của công ty vào tài sản. Nếu ROA cao, tức là công ty đang đầu tư hiệu quả vào tài sản của mình để tạo ra lợi nhuận.


    • - Đánh giá sự phát triển của công ty: ROA cũng có thể được sử dụng để đánh giá sự phát triển của công ty trong thời gian. Nếu ROA tăng theo thời gian, tức là công ty đang phát triển và sử dụng tài sản của mình để tạo ra lợi nhuận.


    4. ROA bao nhiêu là tốt?

     Đây là một câu hỏi thường gặp khi phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.ROA càng cao, càng cho thấy doanh nghiệp có khả năng sử dụng tài sản hiệu quả để tạo ra lợi nhuận.Tuy nhiên, không có một mức ROA cụ thể nào là tốt cho mọi doanh nghiệp. 


    Mức độ tốt của ROA phụ thuộc vào ngành nghề và quy mô  của doanh nghiệp , chu kì kinh tế và chiến lược kinh doanh. Việc đánh giá về mức độ tốt hay xấu của ROA nên được xem xét đối với công ty cùng ngành và mức trung bình của ngành công nghiệp cụ thể mà công ty đang hoạt động. 


    Một ROA cao hơn trung bình trong ngành của mình thường được xem là tốt, trong khi một ROA thấp hơn có thể cho thấy rằng công ty đang sử dụng tài sản của mình không hiệu quả. Ngoài ra, ROA của một công ty có thể phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Ví dụ như trong thời kỳ suy thoái, khả năng tạo lợi nhuận của các công ty suy giảm, dẫn đến ROA thấp.


    Ví dụ, một công ty thuộc ngành sản xuất với nhiều tài sản, như các công ty luyện kim, sản xuất máy móc thiết bị… có ROA ~5% được xem là tốt nếu tất cả các công ty cùng ngành có mức ROA thấp hơn. Trong khi các công ty thuộc ngành dịch vụ như tư vấn tài chính, ngân hàng, dịch vụ phần mềm… có mức ROA ~ 15% vẫn có thể coi là xấu nếu các công ty cùng ngành có mức ROA cao hơn. 


    Theo csimarket.com, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) của các công ty S&P500 trong quý 1 năm 2023 là 6.15% (S&P 500 Management Effectiveness Information and Trends by quarter, ROE, Return On Assets, Return On Investment from 1 Q 2023 to 1 Q 2022 - CSIMarket).


    Như vậy, việc đánh giá ROA của một công ty đơn lẻ có thể không đưa ra kết luận đúng và hiệu quả và cần phải đặt trong một bối cảnh và ngành nghề cụ thể.

    Vậy sử dụng ROA trong đầu tư cổ phiếu ra sao? Nội dung tiếp theo sẽ giải thích và có những minh hoạ cụ thể cho bạn tham khảo.


    5. Ví dụ sử dụng ROA khi đầu tư cổ phiếu

    Đối với nhà đầu tư cổ phiếu, ROA có thể được sử dụng để đánh giá tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp đó. Dưới đây là một số ví dụ cách sử dụng ROA trong đầu tư cổ phiếu:


    - So sánh ROA của doanh nghiệp với ROA trung bình của ngành: Nhà đầu tư có thể so sánh ROA của doanh nghiệp mà họ quan tâm với ROA trung bình của các công ty trong cùng ngành. Nếu ROA của doanh nghiệp đó cao hơn so với ROA trung bình của ngành thì đó có thể là một tín hiệu tích cực về tiềm năng sinh lời của doanh nghiệp.


    ROA các ngành thị trường Mỹ trong Q4/2022

    ROA các ngành thị trường Mỹ trong Q4/2022 (Nguồn: CSIMarket)


    - So sánh ROA của doanh nghiệp với ROA của đối thủ cạnh tranh: Nhà đầu tư có thể so sánh ROA của doanh nghiệp mà họ quan tâm với ROA của các đối thủ cạnh tranh. Nếu ROA của doanh nghiệp cao hơn so với ROA của các đối thủ cạnh tranh thì đó có thể là một tín hiệu tích cực về tiềm năng sinh lời của doanh nghiệp.


    ROA của công ty Microsoft theo quý

    ROA của công ty Microsoft theo quý (Nguồn: Tradingview) 


    ROA của công ty Google theo quý

    ROA của công ty Google theo quý (Nguồn: Tradingview) 


    Phân tích: 

    Có thể thấy rằng, Q4/2022, ROA của Apple (28,36%), Microsoft (20,82%) và Google (16,55%) đều cao hơn trung bình ngành công nghệ là 6,01%, có thể thấy tiềm năng phát triển của các công ty này rất tốt trong ngành. 


    Về mức độ tăng trưởng ROA thì Apple có mức cao nhất, và theo thời gian từ Q4/2020 đến Q4/2022 thì mức tăng Apple cũng tốt và ổn định hơn so với 02 công ty Microsoft và Google. 


    Như vậy, để lựa chọn đầu tư trong ngành công ty thì có thể thấy cổ phiếu Apple nên được ưu tiên hơn so với cổ phiếu của Microsoft và Google. 


    Tuy nhiên, để đánh giá tốt và toàn diện hơn về sự hiệu quả kinh doanh của công ty, ROA cần được xem xét cùng với các chỉ số khác như ROE (Return on Equity), ROS (Return on Sales), và các chỉ số tài chính khác… Chỉ số thường được quan tâm và so sánh với ROA là ROE và chúng ta sẽ xem xét cụ thể hơn mối quan hệ của 02 chỉ số này trong mục tiếp theo của bài viết.


    6. Mối quan hệ giữa ROA và ROE

    ROA (Return on Assets) và ROE (Return on Equity) là hai chỉ số tài chính quan trọng được sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của công ty. ROA đo lường lợi nhuận của công ty trên tổng số tài sản, trong khi ROE đo lường lợi nhuận của công ty trên tổng số vốn chủ sở hữu.


    Mối quan hệ giữa ROE và ROA là thông qua đòn bẩy tài chính. Đòn bẩy tài chính (Leverage) là tỷ lệ giữa tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Đòn bẩy tài chính càng cao, tức là doanh nghiệp vay nợ càng nhiều để đầu tư vào tài sản. Khi đó, ROE sẽ cao hơn ROA. Công thức mối quan hệ giữa ROE và ROA là:


    ROE = ROA x Đòn bẩy tài chính

    Hoặc Đòn bẩy tài chính = ROE / ROA


    ROE thường cao hơn ROA, vì ROE đo lường lợi nhuận của công ty trên số vốn chủ sở hữu, trong khi ROA đo lường lợi nhuận trên tổng số tài sản. Nếu ROE cao hơn ROA, có thể cho thấy công ty đang sử dụng vốn chủ sở hữu để tạo ra lợi nhuận hiệu quả hơn.


    Một doanh nghiệp có thể có ROE cao nhờ có đòn bẩy tài chính cao, nhưng điều này cũng tiềm ẩn rủi ro về khả năng trả nợ, điều này có thể không thể hiện hiệu quả thực sự của công ty. Theo chuẩn quốc tế, một doanh nghiệp có ROE lớn hơn 15% và đòn bẩy tài chính nhỏ hơn 1 được coi là có năng lực tài chính cao  .


    Do đó, nhà đầu tư cần xem xét cả hai chỉ số ROA và ROE để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.


    7. Sự hạn chế của ROA

    Mặc dù ROA là một chỉ số tài chính quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản của công ty để tạo ra lợi nhuận, nhưng nó cũng có một số hạn chế:


    • - Không thể đo lường được các yếu tố phi tài chính: ROA không thể đo lường được các yếu tố phi tài chính như chất lượng sản phẩm, thương hiệu, năng lực quản lý, chiến lược kinh doanh và cạnh tranh cùng những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.


    • - Không phản ánh được sự tăng trưởng của công ty: ROA chỉ cho biết mức độ hiệu quả sử dụng tài sản của công ty để tạo ra lợi nhuận trong một thời điểm nhất định, không thể đánh giá được sự tăng trưởng của công ty trong thời gian dài. Ngoài ra, ROA cũng không thể đo lường được rủi ro và chi phí của công ty.


    • - Chỉ số có thể bị ảnh hưởng bởi kế toán: ROA có thể bị ảnh hưởng bởi cách công ty tính giá trị tài sản và lợi nhuận. Ví dụ, nếu công ty đánh giá tài sản quá cao hoặc quá thấp, thì ROA sẽ bị ảnh hưởng.


    • - Không phù hợp cho các ngành công nghiệp khác nhau: ROA không phù hợp để so sánh hiệu quả giữa các công ty trong các ngành công nghiệp khác nhau. Ví dụ, các công ty trong ngành công nghiệp tài chính có thể có ROA cao hơn so với các công ty trong ngành sản xuất do tính chất của ngành.


    Vì vậy, để đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh doanh của công ty, cần phải sử dụng nhiều chỉ số tài chính khác nhau.


    Một số lưu ý khi sử dụng chỉ số ROA:


    - Chỉ số ROA phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Một số ngành nghề có yêu cầu về tài sản cao hơn như ngành công nghiệp, xây dựng, vận tải... thì có thể có chỉ số ROA thấp hơn so với những ngành nghề ít cần tài sản như ngành dịch vụ, thương mại, tài chính... Do đó, khi so sánh chỉ số ROA giữa các doanh nghiệp, cần xem xét đến ngành nghề kinh doanh của chúng.


    - Chỉ số ROA có thể biến động theo thời gian do ảnh hưởng của các yếu tố như biến động giá cả, tỷ giá hối đoái, lãi suất vay, chính sách thuế... Do đó, khi phân tích chỉ số ROA của một doanh nghiệp, cần xem xét đến xu hướng và biến động của chỉ số này trong một khoảng thời gian


    8. Lời kết

    Thông qua bài viết, hy vọng bạn đọc đã có được những thông tin hữu ích và cụ thể về chỉ số tài chính ROA và cách phân tích cũng như sử dụng nó trong hoạt động đầu tư cổ phiếu. 


    Tuy nhiên, chỉ số ROA cũng tồn tại nhiều hạn chế mà việc sử dụng độc lập để đưa ra quyết định đầu tư có thể dẫn đến những rủi ro cao cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc kết hợp với các chỉ số tài chính và yếu tố cơ bản khác về kinh tế, thị trường là cần thiết trong việc đánh giá tiềm năng cổ phiếu một doanh nghiệp.


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad