CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Bullish là gì? Bearish là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách thức giao dịch trong tình trạng Bullish và Bearish

    8 Phút
    Cập nhật 08/04/2024 01:49
    Nhóm Mitrade


    Trong thế giới tài chính, thuật ngữ "Bullish" và "Bearish" là những khái niệm quen thuộc, cho thấy tâm trạng và dự đoán của những người tham gia thị trường. Bullish và Bearish không chỉ là các thuật ngữ kỹ thuật mà còn cho thấy cơ hội và rủi ro trong việc định hình chiến lược đầu tư.

    Hiểu rõ về cả hai khái niệm này không chỉ giúp nhà đầu tư tự tin hơn trong quá trình ra quyết định mà còn là chìa khóa để khai thác những cơ hội và đối mặt với những thách thức của thị trường tài chính. Chính vì điều này, hãy cùng nhau khám phá sâu hơn về thuật ngữ Bullish và Bearish trong bài viết dưới đây để hiểu chính xác chúng là gì, và nhà đầu tư nên làm gì trong các giai đoạn thị trường như vậy để nắm bắt cơ hội một cách tốt nhất.


    1. Bullish và Bearish là gì?


    "Bullish" và "Bearish" là hai thuật ngữ thường được sử dụng trong thị trường tài chính để mô tả tâm trạng thị trường (market sentiment) và dự đoán về xu hướng giá của một tài sản nào đó như cổ phiếu, tiền điện tử hoặc hàng hóa, cụ thể:

    ☀️ Bullish (Tăng giá): Khi nhà đầu tư đang "Bullish" có nghĩa là họ tin rằng giá của một tài sản sẽ tăng trong tương lai. Người này có quan điểm tích cực về thị trường và kỳ vọng rằng sẽ có sự tăng giá mạnh mẽ. Họ có thể mua vào tài sản với hy vọng bán ra sau đó khi giá tăng để có lợi nhuận.

    ☀️ Bearish (Giảm giá): Khi nhà đầu tư đang "Bearish”, họ tin rằng giá của một tài sản sẽ giảm trong tương lai. Người này có quan điểm tiêu cực về thị trường và kỳ vọng rằng sẽ có sự giảm giá mạnh mẽ. Họ có thể bán ra tài sản hoặc thực hiện các giao dịch khác để kiếm lợi nhuận từ sự giảm giá dự kiến.


    Ngoài ra, nên nhớ rằng, khi trạng thái Bullish diễn ra lâu, thì đó được gọi là Bull Market (Thị trường tăng giá), ngược lại, nếu tình trạng Bearish diễn ra trong thời gian dài thì đó là Bear Market (Thị trường giảm giá).

    Ví dụ về tình trạng Bullish - Vào cuối năm 2017, Bitcoin đã trải qua một đợt tăng mạnh chưa từng có, tăng từ khoảng 1.000 USD vào đầu năm lên gần 20.000 USD vào tháng 12/2017. Điều này được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày càng tăng và việc áp dụng tiền điện tử, đặc biệt là bởi các nhà đầu tư tổ chức. Xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra vào đầu năm 2018, với tổng vốn hóa thị trường của tất cả các loại tiền điện tử đạt mức cao nhất mọi thời đại. Các nhà đầu tư lúc đó có tầm nhìn Bullish về thị trường và đó là lý do dòng tiền đổ mạnh vào tiền điện tử, khiến nó bùng nổ.

    Ví dụ về tình trạng Bearish - Một ví dụ kinh điển là sự giảm giá của Ethereum vào khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2018. Trong thời gian này, giá Ethereum đã trải qua một sự điều chỉnh đáng kể, giảm từ mức cao nhất mọi thời đại khoảng 1.400 USD vào tháng 1/2018 đến khoảng 85 USD vào tháng 12/2018. Xu hướng giảm giá này được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm sự suy thoái chung của thị trường, lo ngại về khả năng mở rộng và tắc nghẽn mạng cũng như sự cạnh tranh gia tăng từ các dự án blockchain khác. Các nhà đầu tư khi đó có cái nhìn Bearish nên chủ động bán ra Ethereum để thoát khỏi thị trường hoặc kỳ vọng mua lại với giá thấp hơn.


    2. Sự khác biệt giữa Bullish và Bearish


    Bullish và Bearish là hai tính từ để chỉ hai trạng thái của thị trường hoặc niềm tin của nhà đầu tư vào diễn biến trong tương lai. Chúng trái ngược nhau về bản chất và cũng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau. Bảng dưới đây sẽ đề cập đến một vài dấu hiệu nhận diện, đồng thời so sánh đê nhìn ra sự khác biệt trong giai đoạn Bullish và Bearish.


    Bullish

    Bearish

    Tâm lý thị trường

    Tâm lý tích cực

    Tâm lý tiêu cực

    Biến động giá

    Giá tài sản tăng đều

    Giá tài sản giảm

    Khối lượng giao dịch

    Lớn và tăng đều, thể hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường

    Giảm dần và duy trì ở mức thấp, thể hiện có ít nhà đầu tư tham gia giao dịch và tình hình ảm đạm

    Hành vi của nhà đầu tư

    Có xu hướng mua tài sản và kỳ vọng bán được mức giá cao hơn

    Có xu hướng bán tài sản nhằm mua lại được với mức giá thấp hơn

    Khung thời gian

    Có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm

    Có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm

    Ý nghĩa

    Cho thấy sự tích cực của thị trường, dẫn đến sự tăng giá của tài sản

    Cho thấy sự tiêu cực của thị trường, dẫn đến giá tài sản giảm

    (Nguồn: Được tổng hợp bởi Mitrade)

    3. Các dấu hiệu Bullish và Bearish trong phân tích kỹ thuật


    Ở phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách nhìn ra dấu hiệu Bullish và Bearish trong phân tích kỹ thuật, mà cụ thể là các mẫu hình nến quen thuộc để từ đó phát hiện các điểm đảo chiều của thị trường. 

    • Mẫu hình nến Bullish

    ֎ Bullish Engulfing 

    Bullish Engulfing là mô hình nến đảo chiều báo hiệu sự kết thúc của một xu hướng giảm. Nó biểu hiện dưới dạng một cây nến tăng giá lớn “nhấn chìm” cây nến trước đó.

    Nến nhấn chìm tăng giá là một tín hiệu đáng quan tâm nếu nó xảy ra ở các mức quan trọng trên thị trường như tại vùng hỗ trợ, vùng cầu, đường xu hướng, …

    Để mô hình nhấn chìm tăng giá có hiệu lực, khối lượng giao dịch thời điểm đó phải cao và độ dài của thân nến phải nhấn chìm hoàn toàn thân nến trước đó. Giá phải rơi qua mức giá thấp nhất của ngày trước đó, nhưng lực mua đã đẩy nó lên cao hơn cả mức cao nhất của ngày hôm trước.

    Nếu nhìn thấy mẫu hình nến này, nhà giao dịch có thể vào vị thế mua (long) do phe mua đang kiểm soát thị trường và xu hướng giảm đã kết thúc.

    Ví dụ về mẫu hình Bullish Engulfing

    Ví dụ về mẫu hình Bullish Engulfing (Nguồn: Tradingview)


    ֎ Hammer và Inverted Hammer 

    Hammer và Inverted Hammer là những mô hình nến độc đáo có vẻ đối lập nhau nhưng thực chất lại cho thấy sự đảo chiều tăng giá.

    Mẫu hình Hammer bao gồm một chiếc búa với râu nến dài và thân trên nhỏ, điều này cho thấy phe bán đã cố đẩy giá xuống thấp, tuy nhiên lại gặp lực mua lớn khiến giá rút chân và tạo thành râu nến dài. Tín hiệu sẽ uy tín hơn nếu giá đóng cửa cao hơn mức mở cửa. 

    Ví dụ về mẫu hình Hammer

    Ví dụ về mẫu hình Hammer (Nguồn: Tradingview)


    Trong khi đó, Inverted Hammer sẽ có râu nến bên trên dài và phần thân dưới nhỏ. Mẫu hình này chứng minh lực bán lớn, tuy nhiên lại không đủ để đẩy giá xuống sâu hơn, do đó, báo hiệu một sự đảo chiều tăng giá trong thời gian tiếp theo.

    Ví dụ về mẫu hình Inverted Hammer

    Ví dụ về mẫu hình Inverted Hammer (Nguồn: Tradingview)


    ֎ Morning Star 

    Morning Star là mô hình 3 nến có thể được sử dụng để dự báo sự đảo chiều tăng giá với độ chính xác cao.

    Nến đầu tiên thường là nến giảm có thân nến cỡ trung bình hoặc lớn. Điều này cho thấy phe bán hoàn toàn kiểm soát thị trường. Trong khi đó, cây nến thứ hai có kích thước nhỏ, tốt nhất là cây nến có thân nhỏ, điều cho thấy áp lực bán giảm khi phe mua tham gia. Tiếp đến, cây nến thứ 3 là cây nến tăng giá, tốt nhất là có thân lớn bao phủ hoàn toàn thân nến nhỏ trước đó, chứng minh phe bán đã kiểm soát hoàn toàn.

    Ví dụ về mẫu nến Morning Star

    Ví dụ về mẫu nến Morning Star (Nguồn: Tradingview)


    ֎ Three White Soldiers 

    Three White Soldiers đơn giản là ba cây nến tăng giá liên tiếp cho thấy người mua đã tham gia thị trường với áp lực mua khá lớn. Nó được thể hiện bằng việc giá mở cửa của cây nến sau luôn cao hơn cây nến trước. Mô hình này có thể được giao dịch với các chỉ báo khác như đường xu hướng và Fibonacci thoái lui.

    Khi sử dụng mô hình này, hãy lưu ý rằng kích thước của nến là rất quan trọng, cùng với đó là khối lượng giao dịch được thể hiện trên biểu đồ. Mặc dù thể hiện dấu hiệu của tình trạng bullish, tuy nhiên, nhà giao dịch cũng nên cẩn trọng với mô hình nến này do việc ba cây nến tăng quá mạnh có thể thu hút lực bán chốt lời ngắn hạn trước khi có thể tiếp tục tăng. 

     

    17124728002003

    Ví dụ về mẫu nến Three White Soldiers (Nguồn: Tradingview)


    • Mẫu hình nến Bearish


    ֎ Bearish Engulfing 

    Mô hình nến Bearish Engulfing thường báo hiệu sự đảo ngược của xu hướng tăng với áp lực bán cực mạnh của phe bán. Mô hình này được hình thành bởi hai cây nến, với cây nến giảm giá thứ hai nhấn chìm thân của cây nến xanh trước đó. 

    Để mô hình Bearish Engulfing có hiệu lực, khối lượng giao dịch của cây nến giảm phải nhấn chìm toàn bộ cây nến trước đó. Giá đã có lúc tăng cao hơn mức giá đóng cửa của ngày hôm trước nhưng lực bán lại đẩy nó xuống vượt qua cả mức giá thấp nhất của cây nến trước đó. 

    Nếu nhìn thấy mẫu hình nến này, nhà giao dịch có thể vào vị thế bán (short) do phe bán đã cho thấy sức mạnh tuyệt đối. Nhà giao dịch có thể kết hợp thêm với các chỉ báo khác như RSI, MACD hoặc khối lượng giao dịch để xác nhận dấu hiệu Bearish một cách rõ ràng hơn. Ví dụ, RSI đã ở mức quá mua và khối lượng bán lớn, đây nhiều khả năng là một cây nến phân phối mạnh, báo hiệu việc đảo chiều rõ ràng.

    1712472807523

    Ví dụ về mẫu nến Bearish Engulfing (Nguồn: Tradingview)


    ֎ Evening Star

    Evening Star là mô hình nến được các nhà giao dịch sử dụng để phân tích khả năng xu hướng tăng sắp đảo chiều thành xu hướng giảm. Mô hình nến này bao gồm ba nến: nến tăng lớn, nến thân nhỏ râu trên dài và nến giảm. 

    Việc cây nến nắm giữa có râu nến bên trên dài cho thấy áp lực của phe bán là rất lớn, khiến phe mua thất thế khi đẩy giá lên cao và tạo thành cây nến râu dài. Nếu cây nến thứ 3 là một cây nến giảm mạnh thì nó như sự xác nhận rằng thị trường đã chính thức đảo chiều sang giảm.

    Ví dụ về mẫu hình Evening Star

    Ví dụ về mẫu hình Evening Star (Nguồn: Tradingview)


    ֎ The Three Black Crows

    The Three Black Crows là mô hình nến được sử dụng để dự đoán sự đảo chiều của xu hướng tăng thành giảm. Nó bao gồm 3 cây nến giảm mạnh liên tiếp, điều cho thấy áp lực mua rất lớn và tình hình thị trường là rất bearish. Thông thường, sau 3 cây giảm, thị trường cũng có thể có một cây nến hồi kỹ thuật trước khi quay trở lại giảm tiếp. Do đó, thời điểm hồi phục này chính là lúc có thể bắt đầu vào lệnh bán (short).


    Ví dụ về mẫu hình nến The Three Black Crows

    Ví dụ về mẫu hình nến The Three Black Crows (Nguồn: Tradingview)


    ֎ Hanging man

    Hanging man là mô hình nến giảm giá ở cuối xu hướng tăng. Áp lực bán lớn là chìa khóa để nhận ra mô hình này. Trong thời gian hình thành nến, áp lực bán rất mạnh để giằng co với phe mua. Việc nến đóng cửa với râu nến bên dưới dài có thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng, phe bán đã hết lực. Tuy nhiên, việc áp lực bán lớn ở vùng đỉnh là báo hiệu cho tình trạng Bearish của thị trường và có thể khởi đầu cho một xu hướng giảm.

    Ngoài ra, cần lưu ý rằng, mẫu hình hanging man sẽ được xác nhận nếu giá của ngày hôm sau giảm mạnh. Giá đóng cửa của cây nến sau thấp hơn cây hanging man thì đây sẽ là dấu hiệu rõ ràng của sự khởi đầu xu hướng giảm. Ngược lại, nếu cây nến sau vẫn còn lực tăng với giá đóng cửa cao hơn cây hanging man thì mô hình nến này không được xác nhận là giảm.

    Ví dụ về mẫu hình Hanging Man

    Ví dụ về mẫu hình Hanging Man (Nguồn: Tradingview)


    4. Những điểm cần lưu ý trong khi đánh giá tâm lý thị trường Bullish và Bearish


    ⭐️ Tìm kiếm thêm nhiều tín hiệu xác nhận

    Rất nhiều yếu tố có thể khiến tâm lý thị trường trở nên Bullish hoặc Bearish. Nhà đầu tư nên kết hợp nhiều dấu hiệu để đảm bảo xu hướng Bullish hoặc Bearish là đáng tin cậy. Ví dụ, khi giá tăng mạnh đi kèm với khối lượng giao dịch lớn, đồng thời hỗ trợ bởi những tin tức tốt, đó sẽ là những dấu hiệu thuyết phục để giao dịch với một tâm trạng Bullish. Ngược lại, nếu thị trường nhiều tin tức không tốt và giá tăng với khối lượng giao dịch nhỏ, thì nhà đầu tư cần phải rất cẩn trọng do không có sự đồng pha của các tín hiệu tích cực.  

    ⭐️ Tìm điểm vào lệnh hợp lý

    Nếu xác định thị trường đang ở trong tình trạng Bullish hoặc Bearish, nhà đầu tư nên tìm điểm vào hợp lý có thể nhằm tận dụng được cơ hội này. Dựa vào mẫu hình nến, nhà đầu tư sẽ xác định được đâu là nơi nên đặt lệnh mua hoặc bán. Thông thường, xu hướng tăng sẽ luôn có điểm mà giá điều chỉnh để cho các nhà giao dịch vào lệnh mua (long). Ngược lại, xu hướng giảm, cũng luôn có điểm mà giá hồi phục để vào lệnh bán (short). 

    Hãy nghiên cứu kỹ phân tích kỹ thuật để có thể tìm ra được điểm mua hoặc bán tối ưu. Ngoài ra, đừng quên đi kèm theo đó là các lệnh dừng lỗ và chốt lời cụ thể.

    ⭐️ Hạn chế tâm lý FOMO

    Thị trường tài chính luôn chứa nhiều cạm bẫy và có thể đi theo bất kỳ phương hướng mà nhà giao dịch không thể ngờ tới. Ngay cả khi chúng ta xác định được các dấu hiệu Bullish, nó cũng có thể trở thành Bearish bất cứ lúc nào chỉ bằng một tin tức xấu được công bố.


    Ngoài ra, hãy cẩn thận với những cú lừa (fake out) của thị trường, khi giá tưởng trừng như sẽ tăng nhưng thực ra là giảm để gài bẫy nhà đầu tư. Ngay cả khi thị trường được xác định có nhiều dấu hiệu Bullish nhưng nó vẫn có sẽ xác suất sai, cho dù là nhỏ nhất. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho bất kỳ diễn biến bất ngờ nào sau khi đã vào lệnh.

    ⭐️ Đặt ra mục tiêu rõ ràng


    Trước khi vào lệnh, hãy đặt ra mục tiêu rõ ràng cho mình, điều này khiến nhà giao dịch không bị cuốn theo thị trường hoặc trở nên quá tự tin với những lập luận của mình, điều có thể khiến đang lãi trở thành lỗ khi thị trường nhanh chóng đảo chiều sang hướng không thuận lợi.


    5. Kết luận


    Tóm lại, Bullish và Bearish là hai tính từ dùng để chỉ tâm trạng thị trường và phán đoán của nhà đầu tư về diễn biến trong tương lai. Tình trạng Bullish thôi thúc các nhà đầu tư mua vào do kỳ vọng về sự tăng giá, trong khi Bearish sẽ ủng hộ việc bán ra tài sản nhằm mua lại ở mức giá thấp hơn. Việc xác định tình trạng Bullish hay Bearish đôi khi sẽ rất khó khăn do thị trường có thể chuyển biến bất ngờ. Nhà đầu tư nên nắm rõ các dấu hiệu trong cả phân tích cơ bản và kỹ thuật để chuẩn bị kế hoạch giao dịch cho bản thân nhằm phản ứng được với mọi tình huống có thể xảy ra.

    6. Câu hỏi thường gặp


    Việc Bullish có luôn là tốt và Bearish có luôn là tệ không?

    Đương nhiên không, điều quan trọng là phải nắm bắt đúng xu hướng thị trường. Nhà đầu tư nên Bullish nếu có dấu hiệu rõ ràng về sự tăng giá, trong khi nên Bearish nếu có nhiều tín hiệu cho thấy nó sẽ giảm giá. Việc đánh giá và hành động theo đúng xu hướng thị chính là mấu chốt của sự thành công. Nếu nhà đầu tư Bullish trong một thị trường giảm giá, đó sẽ là nguyên nhân gây ra sự thua lỗ.


    Các mẫu hình nến Bullish và Bearish phát huy tác dụng tốt nhất khi nào?

    Các mẫu hình nến chỉ là một trong những chỉ báo về thị trường, chúng nên được đi kèm với những chỉ báo khác như chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), đường trung bình động (MA), đường trung bình động phân kỳ hội tụ (MACD) … Ngoài ra, các yếu tố cơ bản như tình hình kinh tế, lãi suất … cũng tác động mạnh diễn biến giá, do đó, nhà đầu tư nên đánh giá tổng quan mọi yếu tố bên cạnh việc nhìn vào các mẫu hình nến.


    Tại sao nhà đầu tư nên Bullish về thị trường tài sản khi FED cắt giảm lãi suất?

    FED cắt giảm lãi suất có nghĩa là tiền sẽ được lưu thông ngoài thị trường một cách dễ dàng hơn, từ đó làm tăng giá trị tài sản. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cần hiểu rằng, trong xu hướng tăng giá của tài sản, giá sẽ không tăng liên tục mà luôn có sự điều chỉnh để đi lên theo hình zig zag, do đó, việc chọn điểm vào hợp lý là rất quan trọng.


    Làm sao để tồn tại trong thị trường Bearish?

    Tâm lý thị trường Bearish khiến việc giao dịch trở nên ảm đạm và khiến nhà giao dịch chán nản. Ở những thời điểm như vậy, điều quan trọng cần làm là không được hoảng loạn và cơ cấu tài sản vào những loại có khả năng giữ giá cao trong thời gian thị trường chuyển biến xấu. Nếu xác định tình trạng Bearish kéo dài, nhà đầu tư thậm chí có thể chọn cách đứng ngoài và ngừng giao dịch cho đến khi nhìn thấy những dấu hiệu tốt hơn.


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad