CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    ATH là gì? Cách ứng xử phù hợp giai đoạn ATH xuất hiện và ứng dụng thực tế vào một số tài sản tài chính

    8 Phút
    Cập nhật 02/04/2024 07:18
    Nhóm Mitrade


    ATH (All time high) là một thuật ngữ quen thuộc trong đầu tư tài chính nói chung có thể xuất hiện ở bất cứ loại tài sản nào. Trong bài viết này, hãy cùng Mitrade tìm hiểu bản chất đằng sau hiện tượng ATH, các quá trình diễn ra và hành xử phù hợp khi xuất hiện ATH nhà đầu tư cần lưu ý. 

    1. ATH là gì? Vì sao lại có ATH


    Giống như tên gọi của nó, ATH là mức giá cao nhất từng xuất hiện của một loại tài sản tài chính. Thuật ngữ này được sử dụng rất phổ biến bởi giai đoạn giá tài sản lên cao kỷ lục thường thu hút một lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia kèm theo. Khi ATH xảy ra, điều này đồng nghĩa với việc phe bò đang chiếm ưu thế và nhu cầu có xu hướng gia tăng rất mạnh, lấn át phần cung.


    Một số nguyên nhân giải thích cho ATH như sau:

    ☀️ Hiệu ứng ATH rất dễ gây chú ý từ truyền thông do đây là việc hiếm khi xảy ra đối với giá tài sản nói chung. Việc nhiều kênh tin tức, báo chí cùng đăng tin sẽ gây hiệu ứng tò mò và kích thích sự nhiệt tình từ cộng đồng giao dịch. 

    ☀️ Tâm lý FOMO (Fear of Missing out) – được hiểu là tâm lý sợ bỏ lỡ “cuộc vui” là một dạng tâm lý rất phổ biến trong giao dịch nói chung. Tâm lý này được hình thành kết hợp bởi nhiều cảm xúc sự sợ hãi, tự tin thái quá, tham lam, thiếu kiên nhẫn… của nhà giao dịch dẫn đến thúc đẩy quyết định mua vào và đẩy giá tài sản lên cao. Bản chất của con người là luôn phụ thuộc vào cảm xúc và khó tránh khỏi các thiên lệch (bias) khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt trong các giai đoạn ATH khi cảm giác hưng phấn sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm lợi nhuận thường diễn ra. Điều này có thể dẫn đến những quyết định bốc đồng, vào lệnh vội vàng hoặc miễn cưỡng thoát ra khỏi vị thế mặc dù dấu hiệu đảo chiều là chưa rõ. Thực tế của tình trạng FOMO đã được chứng minh trong nhiều cuộc khủng hoảng trong lịch sử, đặc biệt là khi giai đoạn bong bóng xuất hiện.  


    2. Nhà đầu tư nên hành xử thế nào khi ATH xuất hiện?


    Mỗi giai đoạn của xu hướng tăng giá tài sản sẽ có các yếu tố tác động riêng biệt và cần có một chiến lược quản lý rủi ro và mục tiêu lợi nhuận khác nhau. Nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm trong trường hợp ATH xảy ra bởi khối lượng và thanh khoản giao dịch trong giai đoạn này có thể tăng lên rất cao. 


    Khi trạng thái ATH xuất hiện, câu hỏi quan trọng cần được cân nhắc là điều gì đã khiến giá tài sản bật tăng mạnh lên mức phá đỉnh mọi thời đại như vậy. Nếu các yếu tố được đưa ra có đủ sức nặng để giải thích cho việc giá có khả năng tiếp tục tăng cao, nhà đầu tư có thể cân nhắc vào lệnh theo chiến lược “rải lệnh” lấy vị thế và mua dần thêm khi giá tài sản điều chỉnh (pullback) trong một kênh xu hướng tăng. Ngược lại, nếu yếu tố thúc đẩy giá tăng không rõ nét, hoặc đơn giản chỉ vì hiện tượng tâm lý nhất thời, nhà đầu tư được khuyến nghị không nên ra quyết định mua/ bán trong trường hợp này.  

    Ngoài ra, nhà đầu tư cần nhớ một số quy tắc khi giao dịch tại ATH là xem xét cấu trúc phá vỡ của mô hình giá, xác định một số mốc kháng cự có khả năng để đưa ra vùng chốt lời phù hợp. 

    Quy tắc 1: Phân loại quá trình phá vỡ mốc kháng cự (breakout)

    Quá trình phá vỡ mức kháng cự thường diễn ra theo ba giai đoạn. Đầu tiên, đường giá sẽ chạm kiểm tra ngưỡng kháng cự (test) và thu hút một lượng giao dịch cao hơn mức trung bình. Đây được coi là một “hành động giá” thông thường (action). Sau đó, động lượng tăng giá sẽ chậm lại, phản ánh việc một số nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi giá tiệm cận vùng cao cũ. Đây là điều kiện để tiến tới giai đoạn hai, đó là giai đoạn kiểm tra tính bền vững của việc phá vỡ (reaction). Các mốc hỗ trợ sẽ đóng vai trò quan trọng lúc này, giúp thúc đẩy giá tiếp tục duy trì xu hướng tăng để tiến vào giai đoạn 3, chính thức đạt ATH (resolution). Mức hỗ trợ ở đây có thể xác định thông qua một số chỉ báo kĩ thuật quen thuộc như Fibonacci, các đường MA 50, 100, 200; hoặc đơn giản ngưỡng hỗ trợ mới chính là ngưỡng kháng cự cũ. 

     

    Quá trình đạt ATH của cổ phiếu Ambarella (AMBA)

    Biểu đồ: Quá trình đạt ATH của cổ phiếu Ambarella (AMBA) – Nguồn: Investopedia


    Trong ví dụ trên, cổ phiếu Ambarella (AMBA) phá vỡ mốc kháng cự $36 trong tháng 9 để tiến tới mức ATH quanh vùng $40-55. Giai đoạn 1 (action) xuất hiện vào ngày 02/09, với khối lượng giao dịch được đẩy lên rất cao trước khi có nhịp bán chốt lời đẩy giá xuống vùng hỗ trợ là đường trung bình di động EMA 50 ngày (giai đoạn reaction). Mức giá một lần nữa tăng trở lại và chính thức vượt đỉnh cũ trong tháng 10-11 để đạt mức ATH mới (giai đoạn resolution).

    Thông thường, các nhà đầu tư chưa có vị thế không nên tham gia vào lệnh khi đường giá đang ở giai đoạn 1 (testing, action) do tỷ lệ rủi ro/ lợi nhuận (R:R) không thực sự thuận lợi. Cơ hội có thể đến khi giá quay trở lại các nhịp điều chỉnh pullback (giai đoạn 2) do tỷ lệ rủi ro trong các giai đoạn này là thấp hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể điều chỉnh hành vi mua bán một cách linh hoạt trong thực tế, tùy thuộc vào khung thời gian nắm giữ cũng như quan điểm về tiềm năng của giá tài sản trong tương lai. 

    Quy tắc 2: Đánh giá cấu trúc mô hình phá vỡ

    Các nhà đầu tư nên tìm hiểu kĩ về các mô hình giá cơ bản khi ATH xảy ra. Chẳng hạn, nếu giá tăng liên tục phá vỡ các đỉnh trước đó từ một nền giá rất thấp thì xu hướng phá vỡ đó có thể không bền vững, và rất dễ điều chỉnh giảm nhanh chóng trở lại sau đó (thường gắn với trường hợp giá bị đẩy lên do tâm lý chứ không phải bắt nguồn từ một yếu tố cơ bản nền tảng). Ngược lại, nhà đầu tư có cơ sở vào lệnh hơn nếu giá đi lên một cách từ từ sau một giai đoạn tích lũy khá lâu (vài tuần, tháng) và xảy ra các nhịp phá vỡ từ một nền giá không quá thấp (gắn với trường hợp giá tăng bắt nguồn từ một số thông tin cơ bản bền vững hơn). 

    Một công cụ khá hữu hiệu cho các nhà đầu tư là việc sử dụng các mẫu biểu đồ phổ biến như mô hình tam giác tăng, cờ tăng giá. Khi giá phá vỡ các cạnh trên của tam giá/ cờ, đây có thể là tín hiệu bắt đầu cho một xu hướng tăng mới khi người mua đã dần có vị thế tốt hơn so với người bán và tiếp tục đẩy giá lên. 

    Quy tắc 3: Xác định ngưỡng kháng cự tiềm năng sau ATH

    Sau khi giá tài sản đạt ATH, các ngưỡng kháng cự thông thường sẽ biến mất nhưng các ngưỡng cản tiềm năng có thể được xác định thông qua chỉ báo Fibonacci. Nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ báo này bằng cách nối hai điểm thấp nhất – cao nhất của một xu hướng và nối thêm một điểm ở ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại nhịp pullback. Các mức Fibonacci mở rộng có thể xuất hiện là 1,618, 2,0, 2,618, 3,618… tương ứng với các mức kháng cự “tiềm năng” mới sau khi giá đạt ATH. Các nhà giao dịch đầu cơ ngắn hạn có thể chốt lời dần tại các mức kháng cự này; tuy nhiên, nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn (buy-and-hold) có thể tiếp tục nắm giữ mà không cần quan tâm đến chỉ báo này. 

    Xác định vùng kháng cự tiềm năng của tỷ giá USD/JPY

    Biểu đồ: Xác định vùng kháng cự tiềm năng của tỷ giá USD/JPY – Nguồn: Tradingview


    Ví dụ trên biểu đồ tỷ giá USD/JPY 1 ngày, sau khi USD/JPY đạt mức ATH trong tháng 7 /2022, tỷ giá đã có nhịp điều chỉnh giảm (pullback) về các ngưỡng hỗ trợ vào đầu tháng 8 trước khi tăng lại vào khoảng cuối tháng. Tại thời điểm cuối tháng này, nhà đầu tư có thể xác định ngưỡng kháng cự mới tiếp theo bằng công cụ Trend-Based Fib Extension bằng cách nối 3 điểm như trên hình vẽ. Các ngưỡng kháng cự mới theo đó lần lượt là mức 0,5 (tương ứng USD/JPY ở mức 142,375); 0,618 (145,25); 0,786 (149,25); 1 (154,397); 1,618 (169,256) và 2,618 (193,3).

    Quy tắc 4: Bảo toàn lợi nhuận

    Khi ATH xuất hiện, nhà đầu tư đã có sẵn vị thế sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận kha khá. Do đó, một chiến lược để giữ vững số lợi nhuận kiếm được là điều hết sức quan trọng. Nhà đầu tư có thể đặt ra các mức đơn giản như mục tiêu 10%, 20%, 50% lợi nhuận hay các ngưỡng tâm lý như $5000, $10000 đạt được. Ngoài ra, việc đặt ra các kịch bản để chốt lời, hoặc mức dừng lỗ treo (trailing stop) phù hợp cũng cần được lưu tâm.


    3. Phân tích một số trường hợp ATH trong thực tế


    ֎ Đối với thị trường chứng khoán Mỹ: Đại diện là chỉ số S&P 500

    Theo thống kê, số lượng xuất hiện ATH của chỉ số S&P 500 là không nhiều trong lịch sử, với chỉ chưa đến 1/10 thời gian để đạt mức ATH kể từ năm 1950, tương ứng với khoảng hơn 1500 mức cao nhất mọi thời đại và khoảng 8,3% tổng số ngày giao dịch. Kỷ lục dài nhất mà S&P thiết lập mức ATH là 12 năm liên tiếp, kéo dài từ năm 1989 đến năm 2000. 

    Nhìn chung, khi thị trường chứng khoán xuất hiện ATH, điều đó đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh doanh của các công ty đang gặp thuận lợi, thu nhập ngày càng tăng và tâm lý thị trường ở trạng thái lạc quan.  

    Theo thống kê từ A Wealth of Common Sense từ năm 1950 đến năm 2016, xác suất một công ty có lợi nhuận trung bình dương một năm sau khi cổ phiếu đạt ATH lên tới 74%, trong khi chỉ 26% công ty có lợi nhuận âm trong vòng một năm sau khi đạt ATH. Con số lợi nhuận dương này có thể đạt tới 87% sau 3 năm và 83% sau 5 năm. 

    Diễn biến của chỉ số S&P 500 sau khi đạt ATH

     

    Diễn biến của chỉ số S&P 500 sau khi đạt ATH – Nguồn: A Wealth of Common Sense


    Dĩ nhiên để trạng thái ATH đưa đến một xu hướng tăng bền vững của cổ phiếu, các yếu tố xoay quanh như kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của NHTW, sức khỏe công ty phải thực sự hỗ trợ. Trong trường hợp ATH được kích hoạt bởi một yếu tố không bền vững, chỉ số sẽ nhanh chóng đảo chiều sau đó. Do đó, câu hỏi quan trọng cần được cân nhắc là điều gì sẽ khiến cổ phiếu tiếp tục tăng sau khi đã đạt mức cao nhất mọi thời đại.

    ֎ Đối với thị trường tiền số: Đại diện là Bitcoin

     

    Giá Bitcoin đạt trạng thái ATH

    Biểu đồ: Giá Bitcoin đạt trạng thái ATH – Nguồn: Investopedia


    Bitcoin là một trong những tài sản được quan tâm nhiều nhất trong khoảng hơn 1 thập kỉ gần đây bởi sự phát triển của công nghệ Blockchain. Về cơ bản, bitcoin được thiết kế để sử dụng làm tiền tệ trong các giao dịch hàng ngày, đồng thời dùng để lưu trữ giá trị và phòng ngừa lạm phát (mặc dù vai trò này vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh). Sự thăng trầm của giá bitcoin chủ yếu do tâm lý đầu cơ của các nhà giao dịch xoay quanh triển vọng phát triển của tiền điện tử trong tương lai. 

    Giá bitcoin đã đạt mức ATH trong năm 2021 tại mức khoảng 68 nghìn USD/ coin sau thông tin sàn giao dịch tiền số Coinbase được ra mắt thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư đẩy giá lên. Tuy nhiên, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, bitcoin đã chứng kiến nhịp giảm rất sâu trên 50% do sự không chắc chắn của lạm phát, các biến thể mới của dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine khiến dòng tiền đổ xô vào các tài sản trú ẩn thay vì tài sản rủi ro như bitcoin. Nhìn chung, xu hướng của bitcoin và chứng khoán gần đây có sự tương quan thuận chiều tương đối rõ nét khi các nhà đầu tư cũng nhìn vào các yếu tố căn bản xoay quanh như chính sách tiền tệ của Fed hay xu hướng chung của nền kinh tế toàn cầu. 

    ֎ Đối với thị trường hàng hóa: Đại diện là giá vàng thế giới

    Giá vàng thế giới đạt trạng thái ATH

    Biểu đồ: Giá vàng thế giới đạt trạng thái ATH – Nguồn: Tradingview


    Giá vàng thế giới gần đây đã đạt mức ATH trong tháng 11/2023 khi đạt mức 2150 USD/Oz. Có thể thấy, ngưỡng kháng cự quanh vùng 2080 USD/Oz đóng vai trò ngưỡng cản rất mạnh khi đường giá đã chạm 3 lần và đều quay đầu giảm trở lại về các ngưỡng hỗ trợ sau đó. Trong giai đoạn tháng 11, đường giá một lần nữa quay trở lại kiểm tra mốc kháng cự (test) và đã phá vỡ một cách khá quyết đoán trước khi điều chỉnh giảm nhẹ trở lại sau đó. Nhìn chung, xu hướng hiện tại của giá vàng đang vào giai đoạn 2 (reaction) và nếu các yếu tố cơ bản hỗ trợ thêm, giá vàng có thể có động lực quay trở lại mốc ATH trong thời gian tới. Các ngưỡng kháng cự tiềm năng tiếp theo trong thời gian tới theo chỉ báo Fibo Extension lần lượt là 2145,9 (23,6%), 2222,5 (38,2%), 2284,5 (0,5%), 2346,4 (0,618%). 

    Xét về mặt cơ bản, xu thế tăng của giá vàng được củng cố bởi một số động lực
    (i) Chủ tịch Fed phát thông điệp “dovish” trong phiên họp tháng 12 khi có thể tiến hành cắt lãi suất từ năm 2024, kéo theo đà giảm của đồng USD – vốn có tương quan nghịch chiều với giá vàng;
    (ii) Căng thẳng địa chính trị đang có xu hướng tăng trở lại (Israel – Hamas, Trung Đông). Nhà đầu tư có thể cân nhắc theo dõi các yếu tố này trong thời gian tới để có quyết định phù hợp xem liệu có nên mua vàng hay không. 


    4. Lưu ý cho nhà đầu tư về ATH


    ⭐️ Cân nhắc vị thế phù hợp khi ATH xảy ra

    Nhà đầu tư nên cân nhắc một cách cẩn trọng khi ra quyết định trong các giai đoạn ATH bởi tỷ lệ lợi nhuận/ rủi ro (R:R) lúc này đã giảm đi đáng kể đối với nhà đầu tư mới chưa có vị thế. Theo các lý thuyết thông thường khi giao dịch trong một xu hướng tăng, nhà đầu tư có thể đợi các nhịp pullback của giá tài sản để mở vị thế mới khi tỷ lệ R:R lúc này là cao hơn. Mặc dù vậy, việc mua ở đâu còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như bối cảnh yếu tố cơ bản xung quanh, khối lượng tham gia thị trường, thời gian nắm giữ. Chẳng hạn như đề cập ở trên, dữ liệu lịch sử chỉ ra nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu Mỹ vào giai đoạn ATH, lợi nhuận trong vòng 5 năm sau đó có thể lên đến trên 80%. 

    ⭐️ Đừng quên vai trò của phân tích cơ bản

    Nhà đầu tư cần xác định rõ các yếu tố cơ bản xoay quanh khi ATH xảy ra đối với một giá tài sản. Nếu các yếu tố cơ bản là rõ ràng, chẳng hạn giá cổ phiếu tăng vì kết quả kinh doanh tích cực, có thông tin thuận lợi liên quan đến nội tại công ty, việc giá phá vỡ là điều dễ hiểu để hình thành xu hướng tăng bền vững trong tương lai. Ngược lại, nếu giá liên tục tăng không rõ lý do hoặc đơn thuần chỉ do tâm lý đẩy lên, xu hướng tăng này có thể không bền vững và rất rủi ro cho nhà giao dịch chưa có vị thế mới tham gia. Nhà đầu tư cũng nên tìm cách định giá tài sản để xem mức giá ATH là đắt hay rẻ trước khi ra quyết định đầu tư. 

    ⭐️ Kết hợp nhiều công cụ phân tích kĩ thuật với nhau 

    Khi ATH xảy ra, nhà đầu tư vẫn nên sử dụng nhiều công cụ phân tích kĩ thuật với nhau như phân kỳ giá, MACD, Stochastic, các đường MA, khối lượng giao dịch… để xác định rõ xu hướng và động lượng của thị trường. Bên cạnh đó, các mô hình giá như tam giác/ cờ cũng rất hữu ích để phán đoán xu hướng sắp tới của thị trường. 


    ⭐️ Điều quan trọng nhất vẫn là quản lý rủi ro

    Thông thường, khi ATH diễn ra, nhà đầu tư có thể có nhiều lựa chọn ra quyết định đầu tư như mua tại điểm breakout, mua tại vùng pullback hay bán một phần/ toàn bộ để chốt lời, tùy vào nhận định về thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là nhà đầu tư cần quản lý rủi ro chặt chẽ vì không có một mô hình nào là chính xác tuyệt đối. Đặc biệt trong giai đoạn đà tăng của giá mạnh mẽ thì quản trị cảm xúc là yếu tố then chốt. Trong một xu thế tăng, cảm xúc tích cực thường lấn át do nhà đầu tư có thể tự tin và lạc quan thái quá khi tham gia thị trường. Điều quan trọng là không được để cảm xúc chi phối tâm lý và phải có một kế hoạch, chiến lược giao dịch rõ ràng bằng cách thiết lập các hạn mức cắt lỗ, đa dạng hóa, chốt lời phù hợp. 


    5. Tổng kết


    ATH là việc giá tài sản đạt mức cao nhất mọi thời đại. Đây là giai đoạn thị trường biến động mạnh và rất dễ xảy ra tâm lý FOMO do các yếu tố tâm lý, cảm xúc chi phối. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị cần tỉnh táo và đánh giá tình hình một cách bao quát, toàn diện, sử dụng các công cụ phân tích cơ bản, kĩ thuật và quản trị rủi ro chặt chẽ để có quyết định đầu tư tối ưu. 

    6. Câu hỏi thường gặp FAQ


    Nhà đầu tư nên mua hay bán khi ATH xuất hiện?

    Khi ATH xảy ra, điều quan trọng là nhà đầu tư cần xác định được động lực cơ bản phía sau của các đợt tăng giá tài sản cũng như tùy vào thời gian nắm giữ để ra quyết định mua hay bán phù hợp.

    Vì sao khối lượng giao dịch thường tăng cao mỗi khi ATH xảy ra?

    Giai đoạn khi giá phá vỡ kháng cự và đạt mức cao nhất, khối lượng giao dịch thường rất lớn do nhiều yếu tố liên quan đến tâm lý, cảm xúc của nhà đầu tư. Chẳng hạn, người mua thường dễ gặp tình trạng FOMO và mua nhiều hơn thông thường do sợ bỏ lỡ cơ hội, trong khi người bán cũng tham gia để chốt lời khi đạt mức lợi nhuận kỳ vọng. 

    Khi nào thì ATH cho một xu hướng tăng bền vững?

    Tín hiệu ATH cho một xu hướng tăng bền vững nếu có thông tin tích cực về mặt cơ bản xuất hiện, hoặc giá tài sản đã tích lũy một thời gian đủ lâu trước khi ATH diễn ra. Ngược lại, nếu giá tài sản tăng không rõ nguyên nhân hoặc mức ATH tạo khoảng cách rất xa với mức đáy trước đó, xu hướng tăng có thể không bền vững. 


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad