CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Stochastic là gì? Ứng dụng chỉ báo Stochastic để giao dịch một số loại tài sản hiện nay

    8 Phút
    Cập nhật 15/04/2024 09:24
    Nhóm Mitrade


    Chỉ báo Stochastic là một trong những chỉ báo phân tích kỹ thuật phổ biến nhất bởi tính hiệu quả và dễ sử dụng của nó. Mặc dù vậy, giống như các công cụ khác, việc sử dụng đơn độc một chỉ báo sẽ dễ đưa ra nhầm lẫn và dẫn tới các quyết định không chính xác. Trong bài viết này, hãy cùng Mitrade tìm hiểu về chỉ báo Stochastic, những lưu ý khi sử dụng và thử áp dụng phân tích đối với một số loại tài sản hiện nay.

    1. Tổng quan về chỉ báo Stochastic


    ☀️ Định nghĩa về chỉ báo và lịch sử hình thành:

    Chỉ báo Stochastic có tên đầy đủ là Stochastic Oscillator và được phát triển vào cuối những năm 1950 bởi George Lane – một nhà kinh doanh chứng khoán người Mỹ. Bản chất của chỉ báo Stochastic là nó sẽ giúp so sánh giá đóng cửa của một tài sản tài chính với phạm vi giá trong một khoảng thời gian nhất định để xác định điểm đảo chiều của giá. Theo thiết kế của Lane, chỉ báo này mô tả vị trí giá đóng cửa của một cổ phiếu liên quan đến giá cao nhất và thấp nhất trong một giai đoạn, thông thường là 14 ngày. Nhìn chung, chỉ báo Stochastic không tuân theo giá hay khối lượng mà sẽ tuân theo tốc độ hoặc động lượng của giá. 

    ☀️ Các thành phần của chỉ báo:

    Chỉ báo Stochastic được cấu thành từ hai đường dao động là %K và %D, công thức được xác định như sau:

    %K = (Price – LowN)*100/(HighN – LowN)

    %D = (%K1 + %K2 +%K3)/3


    Trong đó: 

    +) Price: Mức giá đóng cửa

    +) LowN là giá thấp nhất trong khoảng thời gian N

    +) HighN là giá cao nhất trong khoảng thời gian N

    +) %D là đường trung bình di động tính theo SMA3 của đường %K. 


    Chẳng hạn, nếu mức cao nhất của một cổ phiếu trong 14 ngày là 200 USD, mức thấp nhất là 135 USD và mức đóng cửa hiện tại là 175 USD thì số liệu %K hiện tại sẽ là (175-135)/(200-135) * 100 = 61,5. Thông thường, nếu %K vượt trên mức 80 sẽ cho tín hiệu quá mua, nhỏ hơn 20 sẽ cho tín hiệu quá bán. Các mức 80/20 có thể tùy chỉnh thành 70/30 hay 75/25 tùy vào người sử dụng và đặc điểm các loại tài sản đang phân tích. 


    ☀️ Ý nghĩa: Cho thấy tín hiệu về điểm đảo chiều sắp xảy ra


    Như đề cập ở trên, các tín hiệu khi chỉ báo Stochastic tiến đến mốc 20 hay 80 sẽ là dấu hiệu quan trọng cho việc đảo chiều sắp diễn ra. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng khi một xu hướng mua hay bán rất mạnh cho thể duy trì trong một khoảng thời gian dài. Do đó, nhà đầu tư có thể nhìn thêm vào đường %D – vốn là đường trung bình động của đường hành động giá %K. Nếu hai đường này cắt nhau, đây có thể coi là tín hiệu cho sự đảo chiều sắp diễn ra vì nó cho thấy động lượng thay đổi lớn. 


    Chẳng hạn, nếu hai đường cắt nhau từ trên xuống quanh vùng 80, đây là chỉ báo cho tín hiệu nhà đầu tư có thể bán ra vì giá sắp giảm. Ngược lại, nếu hai đường cắt nhau từ dưới lên trên quanh vùng 20, đây là chỉ báo nhà đầu tư có thể mua vào vì giá sắp tăng. 

    Ngoài ra, nhà đầu tư có thể nhìn thêm vào sự phân kỳ giữa hai đường %K và %D. Ví dụ khi xu hướng giảm đạt đến mức thấp mới thấp hơn, nhưng chỉ báo Stochastic cho ra mức thấp mới cao hơn mức thấp cũ, đây là dấu hiệu cho thấy phe bán đang cạn kiệt và một sự đảo chiều tăng giá đang hình thành. Ngược lại, khi xu hướng tăng đạt đến mức cao mới cao hơn, nhưng chỉ báo Stochastic cho ra mức cao mới thấp hơn mức cao cũ, đây là dấu hiệu cho thấy phe mua đang đuối sức và một sự điều chỉnh giảm giá rất có thể sớm xuất hiện. 


    2. Một số cách thức sử dụng chỉ báo Stochastic trong thực tế


    Nhìn chung, chỉ báo Stochastic là một chỉ báo động lượng khá mạnh; tuy nhiên nếu chỉ dùng đơn lẻ thì sẽ khó cho kết quả giao dịch ổn định. Nhà đầu tư nên kết hợp nhiều chỉ báo phân tích kỹ thuật khác để cho cái nhìn chính xác hơn về xu hướng thị trường sắp tới. Công thức chung khi áp dụng các chỉ báo khác với Stochastic là nếu các chỉ báo này cùng cho một kết quả giống nhau thì xu hướng mới tạo ra có thể sẽ được củng cố mạnh mẽ hơn. Một số ví dụ về kết hợp các công cụ phân tích kỹ thuật như sau:

    ֎ Kết hợp Stochastic và MACD:

    Giống như Stochastic, MACD cũng là một công cụ mạnh về động lượng để xác định xu hướng giá là mạnh hay yếu. Nếu cả Stochastic và MACD cùng đưa ra một tín hiệu đảo chiều về giá (Double Cross), đây là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy rất có thể giá sẽ đảo chiều trong thời gian tới. Chiến lược này rất hữu hiệu trong hoạt động giao dịch lướt sóng (Scalping), đặc biệt khi đường Stochastic tạo tín hiệu trước khi các đường chỉ báo MACD cắt nhau. 

     

    Ví dụ về kết hợp Stochastic và MACD

    Ví dụ về kết hợp Stochastic và MACD – Nguồn: Investopedia


    ֎ Kết hợp Stochastic và đường xu hướng:


    Đường xu hướng là đường thẳng giới hạn cho sự biến động của giá tài sản và được sử dụng rộng rãi để xác định các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự. Bằng việc kết hợp một chỉ báo động lượng là Stochastic và chỉ báo xu hướng, nhà đầu tư có thể tự tin hơn trong việc xác định điểm mua/ bán. Ví dụ, trong một xu hướng tăng, giá đang có nhịp điều chỉnh thoái lui, nhà đầu tư có thể canh nhịp đường %K và %D cắt nhau từ dưới lên quanh mức 20 (quá bán) để vào thêm vị thế. Ngược lại, trong một xu hướng giảm, giá có xu hướng điều chỉnh thoái lui, nhà đầu tư có thể xem xét bán tài sản nếu đường %K và %D cắt nhau từ trên xuống quanh mức 80 (quá mua). 

    ֎ Kết hợp Stochastic với tín hiệu phân kỳ giá

    Như đã giải thích ở trên, Stochastic có thể kết hợp với tín hiệu phân kỳ giá để xác định sự đảo chiều của giá. Cụ thể, nhà giao dịch có thể mua vào nếu giá tạo đáy sau thấp hơn giá trước và đường %K và đường %D cắt nhau hướng lên trên. Đây là chỉ báo có độ tin cậy khá cao và có thể đem lại tỷ suất lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nếu biết kết hợp linh hoạt các công cụ với nhau.

    Ví dụ về kết hợp Stochastic và tín hiệu phân kỳ giá

    Ví dụ về kết hợp Stochastic và tín hiệu phân kỳ giá – Nguồn: Forex training group


    ֎ Kết hợp Stochastic với Bollinger Band:

    Dải Bollinger Band là một công cụ quen thuộc với cấu tạo gồm 3 đường chỉ báo nhằm để xác định vận động của kênh giá. Nếu đường giá nằm tiệm cận sát với dải trên Bollinger, điều này cho thấy giá đang tăng nóng. Trong trường hợp chỉ báo Stochastic cũng tạo tín hiệu đảo chiều quá mua, rất có thể xác suất cao giá sẽ đảo chiều trong thời gian tới. Ngược lại, nếu đường giá đang tách khỏi dải dưới Bollinger và chỉ báo Stochastic tạo tín hiệu đảo chiều quá bán, đây là tín hiệu tốt để mua vào.


    Ví dụ về sử dụng kết hợp chỉ báo Stochastic và dải Bollinger Band

    Ví dụ về sử dụng kết hợp chỉ báo Stochastic và dải Bollinger Band – Nguồn: HSC


    3. Ứng dụng chỉ báo Stochastic để phân tích một số loại tài sản hiện nay


    Phần trên đã mô tả ý nghĩa và kết hợp chỉ báo Stochastic với một số công cụ trên lý thuyết. Sau đây, hãy cùng Mitrade thử phân tích cách thức áp dụng chỉ báo Stochastic với một số loại tài sản trong năm 2024: 

    ⭐️ Chỉ số Dow Jones:

     

    Biểu đồ 1D: Chỉ số Dow Jones

    Biểu đồ 1D: Chỉ số Dow Jones – Nguồn: Tradingview


    Một số mốc đáng chú ý:

    + Tháng 6/2023: Tín hiệu mua xuất hiện khi hai đường %K và %D Stochastic cắt nhau từ dưới lên quanh mức 20, đồng thời đường MACD cũng có xu hướng cắt nhau từ dưới mức âm lên trên mức 0. Trong trường hợp này, Stochastic và MACD cùng cho tín hiệu đảo chiều tăng nên xu hướng xác nhận có độ tin cậy cao.

    + Tháng 8/2023: Tín hiệu bán xuất hiện khi tổng hợp cả 3 công cụ cho thấy: 

    (i) Phân kỳ giảm khi đường giá tăng trong khi hai đường Stochastic đi ngang/giảm nhẹ;
    (ii) Hai đường Stochastic có xu hướng cắt xuống dưới tại vùng quá mua;
    (iii) Hai đường MACD cũng cắt nhau từ trên xuống dưới mức 0.


    + Tháng 11/2023: Tín hiệu mua xuất hiện khi hai đường Stochastic cắt nhau từ dưới lên ở vùng quá bán, đồng thời MACD cũng cắt nhau từ dưới lên trên mức 0. 

    ⭐️ Giá dầu Brent:


    Biểu đồ 1D: Giá dầu Brent

    Biểu đồ 1D: Giá dầu Brent – Nguồn: Tradingview


    Một số mốc đáng chú ý:

    + Tháng 8/2023: Tín hiệu bán xuất hiện khi hai đường Stochastic cắt nhau từ trên xuống quanh vùng quá mua (trên 80), hai đường MACD cắt nhau từ trên xuống dưới mốc 0.

    + Tháng 9/2023: Tín hiệu mua đảo chiều xuất hiện khi ngược lại, đường Stochastic cắt nhau từ dưới lên quanh vùng 20, hai đường MACD cắt nhau từ dưới lên trên mốc 0.

    + Tháng 10/2023: Tín hiệu mua xuất hiện do phân kỳ dương xuất hiện rất rõ nét khi đường Stochastic di chuyển ngược chiều với đường giá. Ngoài ra, xu hướng tăng còn được củng cố khi hai đường Stochastic đảo chiều đi lên, MACD cắt nhau vượt lên trên mức 0 (mặc dù MACD phát tín hiệu có vẻ chậm hơn).  


    ⭐️ Giá vàng thế giới:


    Biểu đồ 1D: Giá vàng tương lai

    Biểu đồ 1D: Giá vàng tương lai – Nguồn: Tradingview


    Một số mốc đáng chú ý:


    + Tháng 10/2023: Tín hiệu mua xuất hiện khi hai đường Stochastic cắt nhau từ dưới lên tại vùng quá bán, đồng thời hai đường MACD cắt nhau vượt lên trên mức 0. Ngoài ra, MACD có vẻ chậm tín hiệu hơn Stochastic khoảng 1-2 phiên. 

    + Đầu tháng 11/2023: Tín hiệu bán xuất hiện khi phân kỳ âm hình thành, với đường Stochastic di chuyển ngược chiều với đường giá tại vùng quá mua (> 80). Công cụ MACD cũng cho thấy hai đường cắt nhau từ trên xuống cho thấy xác suất giảm của giá vàng tương lai là cao.

    + Giữa tháng 11/2023: Tín hiệu mua xuất hiện trở lại khi hai đường Stochastic cắt nhau từ dưới lên tại vùng quá bán (< 20), đồng thời MACD cũng vận động cho tín hiệu cắt nhau vượt lên trên mức 0. Ở đây một lần nữa chúng ta lại thấy MACD phát tín hiệu chậm hơn Stochastic khoảng 3-4 phiên. 


    ⭐️ Tỷ giá EUR/USD:

    Biểu đồ 1D: Tỷ giá EUR/USD

    Biểu đồ 1D: Tỷ giá EUR/USD – Nguồn: Tradingview


    Một số mốc đáng chú ý:

    + Đầu tháng 6/2023: Tín hiệu mua xuất hiện khi hai đường Stochastic cắt nhau từ dưới lên tại vùng quá bán (< 20), đồng thời đường giá cũng có xu hướng dịch chuyển bứt ra khỏi cạnh dưới của dải Bollinger Band. Ở ví dụ này, có thể thấy cả Bollinger Band và Stochastic phát tín hiệu cùng thời điểm với nhau.
     

    + Giữa tháng 6/2023: Tín hiệu bán xuất hiện khi hai đường Stochastic cắt nhau từ trên xuống tại vùng quá mua (> 80), đồng thời đường giá cũng rời khỏi cạnh trên của dải Bollinger Band. 

    + Giữa tháng 7/2023: Tương tự như trên, tín hiệu bán mạnh khi cả Stochastic và Bollinger Band đều phát tín hiệu đảo chiều sau những nhịp tăng nóng của tỷ giá EUR/USD.

    + Tháng 10/2023: Tín hiệu mua hình thành khi hai đường Stochastic cắt nhau từ dưới lên tại vùng quá bán (<20), đồng thời giá có xu hướng bứt ra khỏi cạnh dưới của dải Bollinger Band. 


    + Cuối tháng 11/2023: Tín hiệu bán đang dần hình thành khi:
    (i) Phân kỳ âm xuất hiện do đường giá và Stochastic di chuyển ngược chiều nhau;
    (ii) Hai đường Stochastic có xu hướng cắt nhau từ trên xuống tại vùng quá mua; 

    (iii) Giá có xu hướng rời ra khỏi cạnh trên của dải Bollinger Band.


    ⭐️ Tỷ giá GBP/USD:

    Biểu đồ 1D: Tỷ giá GBP/USD

    Biểu đồ 1D: Tỷ giá GBP/USD – Nguồn: Tradingview


    Một số mốc đáng chú ý:

    + Cuối tháng 5/2023: Tín hiệu mua xuất hiện khi hai đường Stochastic cắt nhau hướng lên trên tại vùng quá bán (<20), đồng thời giá cũng bứt ra khỏi cạnh dưới của dải Bollinger Band.

    + Tháng 7/2023: Tín hiệu bán xuất hiện khi hai đường Stochastic cắt nhau từ trên xuống tại vùng quá mua (>80), đồng thời phân kỳ âm xuất hiện khi giá dịch chuyển ngược chiều với đường Stochastic. Ngoài ra, việc đường giá cũng có xu hướng rơi khỏi cạnh trên của dải Bollinger Band cũng củng cố xu hướng giảm của tỷ giá GBP/USD.

    + Tháng 10/2023: Tín hiệu mua xuất hiện khi hai đường Stochastic cắt nhau từ dưới lên tại vùng quá bán, đồng thời giá cũng bứt khỏi cạnh dưới của dải Bollinger Band.


    Tổng kết một số quan sát:

    - Chỉ báo Stochastic là một công cụ cho tín hiệu rất nhạy về khả năng đảo chiều của giá tài sản; mặc dù vậy, nhà giao dịch chỉ nên vào lệnh khi có sự xác nhận của các công cụ khác như MACD, Bollinger Band, phân kỳ giá, đường xu hướng. 


    - Công cụ Bollinger Band và Stochastic thường cho tín hiệu đồng thời, trong khi MACD có độ trễ hơn một chút. Phân kỳ giữa giá và Stochastic/ MACD là một công cụ rất mạnh, đặc biệt nếu xuất hiện trong một khoảng thời gian dài (chẳng hạn 2-3 tháng), tín hiệu đưa ra có xác suất chính xác rất cao. 


    - Stochastic dường như hiệu quả hơn trong những giai đoạn giá tài sản có xu hướng rõ ràng hơn hoặc đi ngang ở biên độ rộng. Đối với giai đoạn độ biến động cao (high volatility), giá tài sản lên xuống nhanh và mạnh, chỉ báo này thường đưa ra nhiều tín hiệu nhiễu và không chính xác. 


    4. Một số lưu ý khi sử dụng chỉ báo Stochastic


    ֎ Lưu ý về lựa chọn khung thời gian

    Nhà giao dịch nên lựa chọn thời gian lớn trên biểu đồ ngày, tuần thay vì các biểu đồ có khung thời gian bé hơn khi sử dụng chỉ báo Stochastic. Lý do đơn giản vì biểu đồ trên khung thời gian lớn thường cho tín hiệu chính xác hơn về xu hướng trong dài hạn. Dĩ nhiên, nếu nhà giao dịch lựa chọn hình thức giao dịch trong ngày (intraday) hay scalping, các biểu đồ có khung thời gian nhỏ cũng có thể sử dụng; tuy nhiên, hình thức này chỉ phù hợp với các nhà giao dịch có kinh nghiệm hoặc giao dịch full-time.  

    ֎ Kết hợp sử dụng các công cụ khác


    Stochastic không phải là chén thánh trong phân tích kĩ thuật nếu chỉ dùng đơn lẻ một mình. Nhà giao dịch nên kết hợp nó với các công cụ phân tích kĩ thuật khác như MACD, Bollinger Band, Ichimoku, đường xu hướng … để đưa ra bộ tín hiệu tốt nhất trước khi ra quyết định. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng được khuyến nghị nên kết hợp cùng một số yếu tố khác như phân tích cơ bản, dòng tiền, tâm lý thị trường để xác định triển vọng của giá tài sản bên cạnh các công cụ phân tích kĩ thuật truyền thống.

    ֎ Hiểu về hạn chế của chỉ báo

    Một hạn chế lớn của Stochastic đó là nó có thể đưa ra tín hiệu giả, đặc biệt trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Đó là khi Stochastic đưa tín hiệu đảo chiều song giá không di chuyển đúng như kỳ vọng, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể vào lệnh quá sớm và chạm lệnh dừng lỗ trước khi đạt mục tiêu lợi nhuận. Nhà giao dịch có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách kết hợp Stochastic với đường xu hướng. Chỉ khi Stochastic và đường xu hướng cho cùng tín hiệu mua hoặc bán, nhà giao dịch mới cân nhắc vào lệnh để đạt được xác suất thắng cao hơn. 


    5. Kết luận


    Chỉ báo Stochastic là một chỉ báo phân tích kỹ thuật về mặt động lượng khá hiệu quả và được sử dụng rộng rãi bởi cộng đồng đầu tư trong nhiều thập kỷ qua. Bản chất chỉ báo này sẽ đưa ra tín hiệu giá tài sản có thể đảo chiều khi tiến đến vùng quá mua/ quá bán. Khi áp dụng thực tế vào một số loại hình tài sản, chỉ báo Stochastic cũng có thể đưa ra tín hiệu giả. Do đó, nhà đầu tư nên kết hợp linh hoạt với các công cụ phân tích khác để cho hiệu quả giao dịch tối ưu. Ngoài ra, việc quản lý vốn, tuân thủ hạn mức cắt lỗ và quản trị rủi ro cũng là yếu tố quan trọng để giao dịch thành công. 

    6. Các câu hỏi thường gặp


    Chỉ số RSI và Stochastic có điểm gì giống và khác nhau?

    Chỉ số RSI (Relative Strength Index) là một chỉ báo phân tích kỹ thuật đo lường mức thay đổi tương đối của giá tài sản dựa trên chênh lệch số ngày tăng – giảm điểm. Cũng giống như Stochastic, RSI là một chỉ báo động lượng có thể giúp đưa ra trạng thái quá mua/ quá bán của giá tài sản. Mặc dù vậy, điểm khác biệt là giả định về mặt cơ bản. Stochastic giả định rằng giá đóng cửa sẽ di chuyển cùng hướng với xu hướng hiện tại; trong khi RSI được thiết kế để đo tốc độ của biến động giá. 


    Stochastic nhanh và chậm là gì?

    Tốc độ của chỉ báo Stochastic được thiết kế thay đổi dựa trên số liệu đầu vào của %D và %K. Một cách hiểu đơn giản, Stochastic nhanh sử dụng các dữ liệu về giá gần nhất, trong khi Stochastic chậm sử dụng đường trung bình di động (MA). Stochastic nhanh sẽ đưa ra tín hiệu giá nhanh hơn, song độ chính xác có thể không bằng Stochastic chậm.  


    Stochastic có phải chỉ báo có độ tin cậy cao không?

    Ra đời từ những năm 1950, Stochastic là một trong những chỉ báo phân tích kỹ thuật phổ biến nhất và hiệu quả của nó đã được chứng minh trong vài thập kỉ qua, cùng với một số công cụ như MACD, Bollinger Band, đường trung bình động… Chỉ báo này nhìn chung khá mạnh nếu kết hợp với các công cụ khác vì các tín hiệu đưa ra các xác suất chính xác cao.


    Có công cụ nào nâng cấp của Stochastic không?

    Stochastic Momentum Index (SMI) là một chỉ báo nâng cấp của chỉ báo Stochastic Oscillator, được phát triển bởi Wiliam Blau khi kết hợp cả Stochastic và RSI. Công cụ này có ưu điểm là phản ứng nhanh và giảm độ nhiễu hơn công cụ truyền thống. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể sử dụng chỉ báo Stochastic RSI với đặc điểm tương tự để xác định các vùng quá mua/ quá bán của giá tài sản. 


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad