Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Cách đọc báo cáo tài chính khi nào được công bố? Hướng dẫn phân tích báo cáo tài chính

    10 Phút
    Cập nhật 19/06/2023 08:37
    Nguyen Hoang Phu

    Hiểu được ý nghĩa các con số và thông tin trong báo cáo tài chính của một công ty là một kỹ năng cơ bản đối với những nhà đầu tư chứng khoán. Đây cũng là một phần trong phương pháp phân tích cơ bản để tìm ra giá trị nội tại của cổ phiếu.


    Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn chi tiết về cách đọc báo cáo tài chính và hướng dẫn phân tích báo cáo tài chính. Từ đó, trader có thể lọc được các cổ phiếu tốt cho danh mục đầu tư của mình.


    1. Báo cáo tài chính là gì?

    Báo cáo tài chính là ghi chép kế toán về hoạt động kinh doanh và tài chính của một công ty, nhằm phục vụ quá trình quản lý của doanh nghiệp cũng như những cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động kinh tế.


    Báo cáo tài chính bao gồm:


    • Báo cáo độc lập của đơn vị kiểm toán (đối với báo cáo yêu cầu kiểm toán).

    • Bảng cân đối kế toán.

    • Báo cáo kết quả kinh doanh.

    • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

    • Bản thuyết minh báo cáo tài chính.


    Chi tiết cách đọc và phân tích các thành phần trong báo cáo tài chính sẽ được giới thiệu trong phần 04 của bài viết.


    2. Tại sao nên đọc báo cáo tài chính khi đầu tư?

    Đọc hiểu báo cáo tài chính thường yêu cầu thời gian và những hiểu biết nhất định về kế toán nên khiến nhiều nhà đầu tư bỏ qua thông tin này. Đặc biệt với những nhà đầu tư trung và dài hạn thì điều này sẽ đặt họ vào một mức rủi ro cao hơn. 


    Vậy, lý do cho việc sử dụng báo cáo tài chính khi đầu tư là gì?


    • Báo cáo tài chính cung cấp cơ sở dữ liệu về sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp, dòng tiền, chi phí, doanh thu, lợi nhuận… từ đó đánh giá được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn của công ty. 


    • Từ các phân tích các tỷ lệ tài chính của doanh nghiệp trong báo cáo tài chính, có thể sử dụng để so sánh với thời kỳ trước và với các đối thủ cạnh tranh, từ đó đánh giá được khả năng và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.


    • Nhà đầu tư có thể sử dụng các chỉ số trong báo cáo tài chính để định giá cổ phiếu công ty, từ đó tìm ra mức giá hợp lý cho việc đầu tư. 


      Ngay cả với những nhà đầu tư ngắn hạn thì việc xem xét báo cáo tài chính cũng giúp họ lựa chọn ra được những công ty tốt hơn.

    3. Thời gian cập nhật các báo cáo tài chính hàng năm


    Tuỳ thuộc vào từng loại hình công ty mà có thời gian cập nhật báo cáo tài chính khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào các công ty đại chúng niêm yết hoạt động trên thị trường chứng khoán.


    Việc công bố thông tin báo cáo tài chính đối với các công ty đại chúng/ niêm yết đều được Uỷ ban chứng khoán các quốc gia quy định chặt chẽ. 


    Điều này đảm bảo tính minh bạch đối với tài chính doanh nghiệp và thông tin cho nhà đầu tư. Nắm bắt được thời gian công bố báo cáo tài chính cũng giúp trader kịp thời cập nhật dữ liệu và đánh giá cơ hội đầu tư.


    Dưới đây là bảng so sánh quy định, yêu cầu cho việc công bố báo cáo tài chính tại Việt Nam và Mỹ:


    Báo cáo

    Tại Việt Nam

    Tại Mỹ

    Báo cáo tài chính Quý

    + Yêu cầu công bố trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc Quý. (trường hợp được UBCKNN gia hạn tối đa không quá 30 ngày)


    + Đối với công ty có quy mô lớn, yêu cầu công bố trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày ký báo cáo soát xét (nếu có), tối đa là 45 ngày, kể từ thời điểm kết thúc quý.


    + Đối với các công ty có quy mô lớn là công ty mẹ của công ty khác thì thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý.


    + Yêu cầu báo cáo trong vòng 35 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

    Báo cáo tài chính nửa năm


    + Yêu cầu công bố trong vòng 05 ngày kể từ thời điểm tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét (*); không được quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính.


    + Đối với các công ty có quy mô lớn hoặc là công ty mẹ của nhiều tổ chức khác thì thời hạn không quá 60 ngày.


    (**)

    Báo cáo tài chính năm


    + Yêu cầu công bố báo cáo đã được kiểm táo trong vòng 10 ngày từ ngày đơn vị kiểm toán ký báo cáo kiểm toán; tối đa là 90 ngày từ thời điểm kết thúc năm tài chính.


    + Yêu cầu báo cáo trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc quý.


    • (*) Báo cáo tài chính nửa năm và cả năm được yêu cầu soát xét hay kiểm toán bởi một đơn vị kiểm toán độc lập có trong danh sách của Ủy ban chứng khoán nhà nước.


    • (**) Uỷ ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) không yêu cầu báo cáo tài chính bán niên, nhưng yêu cầu báo cáo doanh thu sau khi kết thúc 03 quý đầu năm tài chính.


    Ngoài ra, tại Mỹ năm tài chính có thể bắt đầu vào ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12, nhưng không phải tất cả các công ty sẽ có năm tài chính tương ứng với thời gian này.


    Biểu đồ cổ phiếu Apple trực tuyến


    Ví dụ, công ty Apple có năm tài chính kết thúc vào ngày thứ 07 cuối cùng của tháng 09. Và mới đây, Apple cũng đã công ty báo cáo doanh thu cho quý thứ III trong năm 2022 (kết thúc vào ngày 25/06/2022) đạt 83 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.


    Quy định đối với việc chậm nộp báo cáo tài chính


    Nếu các công ty chậm nộp báo cáo tài chính sẽ phải chịu các hình thức xử phạt bao gồm:


    • Xử phạt hành chính.

    • Cảnh cáo và đưa vào diện hạn chế giao dịch cổ phiếu.

    • Đình chỉ giao dịch.

    • Huỷ niêm yết.


    Một trong những ví dụ nổi bật về xử phạt chậm nộp báo cáo tài chính gần đây là các mã cổ phiếu thuộc “họ FLC” – FLC, ROS, HAI bị đưa vào diện hạn chế giao dịch ngày 31/05/2022 do chậm nộp báo cáo QI/2022.


    4. Cách đọc báo cáo tài chính của các công ty

    Nhà đầu tư có thể đọc và phân tích báo cáo tài chính theo nhiều cách khác nhau, như xem xét chi tiết từng số liệu hay chỉ xem xét các chỉ số chính… điều này phụ thuộc vào mục đích của mỗi người. Dưới đây là hướng dẫn cơ bản cho việc xem xét một báo cáo tài chính:


    #4.1 Xem xét ý kiến của kiểm toán viên trong báo cáo kiểm toán độc lập


    Đối với báo cáo tài chính bán niên và cả năm, doanh nghiệp bắt buộc phải công bố báo cáo đã được kiểm toán. Những ý kiến của kiểm toán sẽ cho người đọc thông tin tổng quan về mức độ chính xác và đáng tin cậy của báo cáo tài chính.


    Ví dụ: 


    Xem xét ý kiến của kiểm toán viên trong báo cáo kiểm toán độc lập


    Kiểm toán viên có thể chấp nhận hoàn toàn, một phần, lưu ý làm rõ các phần trong báo cáo hoặc từ chối báo cáo tài chính.


    #4.2 Bảng cân đối kế toán


    Bảng cân đối kế toán phản ánh sức khỏe tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Nó gồm 02 phần chính là Tài sản và Nguồn vốn với giá trị bằng nhau.


    Tài sản = Nguồn Vốn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu


    Thông thường sẽ có 02 thời kỳ chia làm 02 cột: 01 cột là số liệu cập nhật của năm tài chính trước hoặc kỳ tài chính năm trước, 01 cột là số liệu cập nhật từ kỳ tài chính mới. Điều này giúp trader dễ dàng so sánh những thay đổi tài chính của doanh nghiệp theo thời gian.


    ·    Tài sản được chia làm 02 dạng là tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn


    + Tài sản ngắn hạn (hay còn gọi là tài sản lưu động): bao gồm các dạng tài sản được doanh nghiệp nắm giữ dưới 01 năm như tiền, các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, hàng tồn kho… 


    Tài sản ngắn hạn


    + Tài sản dài hạn bao gồm các dạng tài sản được doanh nghiệp nắm giữ trên 01 năm như máy móc, thiết bị, nhà xưởng, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, các khoản phải thu dài hạn… hay các dạng tài sản vô hình như lợi thế cạnh tranh, bằng phát minh, sáng chế…


    Ví dụ: 


    Tài sản dài hạn

    ·    Nguồn vốn được chia làm 02 dạng là Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu


    + Nợ phải trả bao gồm các khoản nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.


    + Vốn chủ sở hữu gồm các khoản vốn góp từ cổ đông, vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối…


    Ví dụ: 

    các khoản vốn góp từ cổ đông


    #4.3 Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh


    Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thể hiện lợi nhuận và các khoản chi phí sử dụng để tạo ra lợi nhuận trong thời kỳ báo cáo, bao gồm:


    -        Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ.

    -        Giá vốn hàng bán: chi phí sử dụng để tạo ra hàng hoá và dịch vụ.

    -        Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp như đầu tư tài chính.

    -        Chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp và chi phí khác.

    -        Lợi nhuận, được tính từ các số liệu về doanh thu và chi phí của doanh nghiệp.


    Ví dụ: 


    Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh



    #4.4 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ


    Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh chi tiết dòng tiền sử dụng của doanh nghiệp, từ đó biết được nguồn lợi nhuận được tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh nào.


    Báo cáo lưu chuyển tiền tệ gồm 03 phần:

    -        Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh: dòng tiền luân chuyển trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp như thanh toán cho đối tác, khách hàng, nhân sự, lãi vay, thuế…

    -        Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư: dòng tiền phát sinh liên quan đến các hoạt động như đầu tư tài chính, mua sắm trang thiết bị, tiền thu từ các công ty con, liên kết…

    -        Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính: dòng tiền từ việc tăng/ giảm vốn chủ sở hữu, các khoản vay nợ…


    Ví dụ: 

    Báo cáo lưu chuyển tiền tệ 1

    Báo cáo lưu chuyển tiền tệ 2


    #4.5 Bản thuyết minh báo cáo tài chính


    Thuyết minh báo cáo tài chính sẽ giải trình chi tiết các thông tin, số liệu đã cung cấp trong báo cáo tài chính và các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, bao gồm:


    • Đơn vị báo cáo (hình thức doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, chu kỳ kinh doanh, cấu trúc công ty).

    • Cơ sở lập báo cáo (kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ…)

    • Chuẩn mực và chế độ kế toán áp dụng.

    • Các chính sách kế toán áp dụng.

    • Thông tin bổ sung cho các khoản mục được trình bày trong bảng cân đối kế toán;

    • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

    • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.


    Trong phần chính sách kế toán áp dụng, một số doanh nghiệp cũng giải trình chi tiết các khái niệm và ý nghĩa các chỉ số tài chính được sử dụng trong báo cáo, giúp những người mới tìm hiểu dễ nắm bắt thông tin hơn.


    Ví dụ:

    Bản thuyết minh báo cáo tài chính


    #4.6 Phân tích báo cáo tài chính


    Sau khi đã biết cách đọc các thông tin trên báo cáo tài chính, chúng ta cần biết cách liên kết và vận dụng chúng để phân tích sức khoẻ tài chính, khả năng phát triển hay sức cạnh tranh của doanh nghiệp.


    -        Tìm hiểu về doanh nghiệp trong bản thuyết minh báo cáo tài chính. Vì mỗi loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh sẽ có những số liệu báo cáo tài chính đặc thù riêng.


    -        Tiền và các khoản tương đương tiền: Cần phải xem xét số liệu báo cáo tài chính qua các năm để biết lượng tiền mặt doanh nghiệp tạo ra từ nguồn nào và có bền vững hay không (phát hành cổ phiếu, trái phiếu, thanh lý tài sản hay từ hoạt động kinh doanh…). 


    Một doanh nghiệp có lượng tiền lớn có thể phản ánh tài chính mạnh; tuy nhiên cũng có thể phản ánh khả năng xoay vòng vốn đầu tư không hiệu quả như giữ lượng tiền lớn mà không đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, hay tiền đến từ hoạt động thanh lý tài sản mà không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh.


    -        Các khoản đầu tư tài chính: Xem xét hiệu quả đầu tư tài chính của doanh nghiệp có hiệu quả hay không từ “Báo cáo kết quả kinh doanh” để xem lợi nhuận thu về từ việc đầu tư vào các công ty con, liên kết lãi hay lỗ. Nếu lỗ liên tiếp nhiều kỳ báo cáo, sẽ cảnh báo về hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.


    -        Các khoản phải thu từ cho vay ngắn và dài hạn: Đối với các doanh nghiệp tài chính như ngân hàng đây là một tài sản có giá trị lớn. Tuy nhiên với các doanh nghiệp sản xuất, giá trị này cần phải xem xét vì các doanh nghiệp này thường cần vay vốn ngân hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lại sử dụng tiền để cho đơn vị khác vay sẽ không hợp lý.


    -        Hàng tồn kho: Cần phải xem xét loại hình kinh doanh của một doanh nghiệp khi xét giá trị hàng tồn kho. Ví dụ, hàng tồn kho của một doanh nghiệp bất động sản có giá trị lớn sẽ khác với một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nông sản, bởi điều này còn liên quan đến thời gian sử dụng sản phẩm. 


    Lượng hàng tồn kho của một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm mà tồn kho lớn sẽ phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh không tốt.


    -        Trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi: Nếu mục này xuất hiện trong phần tài sản, cần đánh giá giá trị của nó qua các thời kỳ để xem xét tính hiệu quả của việc thu hồi nợ của doanh nghiệp.


    -        Các khoản nợ phải trả: Nếu các khoản nợ tăng qua các thời kỳ báo cáo khiến chi phí tài chính sẽ tăng phản ánh việc sử dụng vốn không hiệu quả. Tuy nhiên không áp dụng với doanh nghiệp tài chính như ngân hàng.


    -        Lợi nhuận chưa phân phối: Đây là khoản thường được sử dụng cho việc sản xuất kinh doanh hoặc chia cổ tức cho cổ đông. Cần xem xét nếu khoản lợi nhuận này lớn và doanh nghiệp không đang trong quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh mà không chia cổ tức cho cổ đông thì có thể doanh nghiệp không quan tâm đến lợi ích của cổ đông.


    Ngoài ra, những trader mới tìm hiểu về báo cáo tài chính có thể đánh giá cơ bản thông qua các chỉ số tài chính của doanh nghiệp, như sau:

    Chỉ số tài chính

    Mô tả

    Tỷ suất sinh lời

    Tỷ suất lợi nhuận gộp biên

    Được tính bằng Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần. Tỷ số này phản ánh mức độ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường tỷ suất này > 20% được cho là tốt.

    Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS)

    Được tính bằng Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần. Tỷ số phản ánh hiệu quả tạo ra lợi nhuận từ doanh thu của nó. 


    Việc đánh giá tỷ lệ ROS sẽ khác nhau ở các thị trường, ví dụ giá trị ROS 5 ~ 10 % tại Mỹ được coi là tốt. Tại Việt Nam là trên 10% ~ 15%.

    Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE)

    Được tính bằng Thu nhập ròng/Trung bình vốn chủ sở hữu (đầu kỳ & cuối kỳ). Phản ánh giá trị thu nhập tạo ra trên vốn chủ sở hữu. Giá trị này thường >20% là tốt.

    Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA)

    Được tính bằng Thu nhập ròng/ Trung bình tổng tài sản (đầu kỳ & cuối kỳ). Tương tự ROAE, giá trị này thường > 20% được coi là tốt. 

    Nhóm chỉ số thanh toán

    Khả năng thanh toán lãi vay

    Được tính bằng (Lợi nhuận trước thuế + Lãi nợ vay)/ Lãi nợ vay. 


    Tỷ số này càng cao thì phản ánh khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp càng tốt. 


    Chỉ số này được cho là ít nhất bằng 02 lần mới có thể chấp nhận được. Đặc biệt lưu ý nếu chỉ số này âm cho thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán lãi vay.

    Tỷ số Nợ trên Tổng tài sản

    Được tính bằng Tổng nợ/ Tổng tài sản. Đây là một tỷ số về đòn bẩy tài chính, phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Nếu tỷ số này < 50% được xem là tốt.

    Tỷ số Nợ vay trên Vốn chủ sở hữu

    Được tính bằng Tổng nợ/ Tổng vốn chủ sở hữu. Tương tự như chỉ số nợ trên tổng tài sản, tỷ số này < 50% được xem là tốt.

    (Nguồn : Mitrade tổng hợp) 


    *Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo không bắt buộc nhà đầu tư phải theo hoàn toàn những đề xuất trên 


    Các chỉ số ngày có thể tự tính hoặc tìm thấy trên các trang thông tin tài chính chứng khoán.


    Ví dụ: 

    Các chỉ số ngày có thể tự tính hoặc tìm thấy trên trang tradingview

    (Nguồn: Tradingview.com) 


    Các chỉ số ngày có thể tự tính hoặc tìm thấy trên trang vietstock

    (Nguồn: Vietstock.vn)



    Lưu ý quan trọng:

    • Phân tích báo cáo tài chính cần được theo dõi qua các thời kỳ liên tục (như từ 3 năm – 10 năm) để có thể đánh giá được hiệu suất tăng trưởng theo thời gian hoạt động của doanh nghiệp.


    • Các giá trị tài chính của doanh nghiệp cũng cần được đánh giá trong bối cảnh ngành và kinh tế chung để thấy được sức khoẻ tài chính thực sự của doanh nghiệp. Ví dụ trong bối cảnh kinh tế suy thoái, không thể yêu cầu giá trị tài chính cao như thời kỳ tăng trưởng.


    • Việc “làm đẹp” báo cáo tài chính có thể diễn ra tại các doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư hoặc theo những mục đích cụ thể của doanh nghiệp. Điều này sẽ yêu cầu người phân tích có chuyên môn sâu hơn để tìm ra sự bất hợp lý trong báo cáo tài chính.. 


    5. Những mẹo đầu tư chứng khoán với báo cáo tài chính

    Thông qua việc phân tích báo cáo tài chính, trader có thể tìm ra được những doanh nghiệp với sức khỏe tài chính, tốc độ tăng trưởng, sức cạnh tranh tốt để lựa chọn đầu tư. Dưới đây là một số mẹo đầu tư chứng khoán với báo cáo tài chính:


    -        Lựa chọn các doanh nghiệp có báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán lớn và uy tín (Big Four càng tốt). Không có lịch sử thao túng báo cáo tài chính hay số liệu bất thường qua nhiều thời kỳ.


    Ví dụ: Doanh nghiệp Việt Nam thường phải làm báo cáo soát xét vào Quý II và Quý IV, nên việc số liệu lợi nhuận bất thường vào Quý I và Quý III, sẽ là một điểm nghi vấn về tính minh bạch trong số liệu của doanh nghiệp.


    -        Tránh những doanh nghiệp có bê bối về báo cáo tài chính như việc làm giả số liệu, chậm nộp báo cáo tài chính. Không giải trình hoặc giải trình không hợp lý được các biến động bất thường trong báo cáo tài chính.


    -        Lựa chọn các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định qua các năm. 


    -        Trader có thể sử dụng báo cáo tài chính để tính toán các chỉ số liên quan đến cổ phiếu doanh nghiệp như EPS, P/E, P/B… để định giá cổ phiếu, từ đó tìm ra mức giá hợp lý cho việc đầu tư.


    Ví dụ: P/E là một chỉ số thông dụng và ưa thích để định giá cổ phiếu. Với P/E trong khoảng từ 5 ~ 15 thường được coi là tốt. Tuy nhiên, điều này cũng cần xem xét về đặc điểm doanh nghiệp, ngành và bối cảnh kinh tế (các doanh nghiệp bất động sản thường có P/E khá cao).


    -        Theo dõi sát các thời kỳ công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp (theo quý, theo năm) để nắm bắt được thông tin lãi, lỗ của doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội mua bán. Ngoài đánh giá tốc độ tăng trưởng, trader có thể xem xét lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong cùng ngành


    Ví dụ: Trong ngành công nghệ của Mỹ, đầu năm 2022, công ty AMD đã vượt mặt công ty Intel về giá trị vốn hoá thị trường nhờ vào kết quả kinh doanh tốt. 


    Trong Quý II năm 2022, AMD tiếp tục công bố kết quả kinh doanh ấn tượng với lần thứ 8 liên tiếp ghi nhận doanh thu kỷ lục. Điều này đang cho thấy lợi thế cạnh lớn và tiềm năng của AMD so với doanh nghiệp cùng ngành. 


    6. Lời kết

    Phân tích báo cáo tài chính có thể là một công việc phức tạp và tốn nhiều thời gian với những người chưa có kiến thức kế toán tài chính. 


    Tuy nhiên, trader hoàn toàn có thể học được và nâng cao khả năng đánh giá số liệu của mình. 


    Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết cơ bản nhất về việc đọc hiểu báo cáo tài chính, từ đó chọn lọc được các cổ phiếu tốt hơn cho khoản đầu tư của mình.



    ▌ Xem thêm các bài khác


    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad