Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Uptrend là gì? Downtrend là gì? Cách phân tích xu hướng để kiếm lợi nhuận trong chứng khoán

    10 Phút
    Cập nhật 13/03/2024 07:28
    Nhóm Mitrade


    Những nhà đầu tư gạo cội chắc hẳn đã từng không ít lần nghe thấy câu nói “Xu hướng là bạn”, vốn bày tỏ mức độ cần thiết của việc định hình xu hướng trong giao dịch. Câu nói này có hàm ý là nếu bạn giao dịch thuận chiều xu hướng thì tỉ lệ chiến thắng sẽ lớn hơn và ngược lại.

    Trong bài thảo luận dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu hai xu hướng chính thường được nhìn thấy hiện nay là UptrendDowntrend, đồng thời áp dụng biện pháp phân tích xu hướng nhằm mục tiêu có được quyết định chính xác nhất trong giao dịch chứng khoán.


    1. Định nghĩa xu hướng thị trường? Tầm quan trọng của phân tích xu hướng trong giao dịch


    Khi nhắc đến xu hướng thị trường, chúng ta đang đề cập đến hướng di chuyển chung của đường giá ở một khoảng thời gian nhất định. Đó là sự chuyển động tổng thể của thị trường, có thể đi lên, đi xuống hoặc đi ngang. Phân tích xu hướng thị trường là điều thiết yếu trong giao dịch chứng khoán vì nó hỗ trợ nhà đầu tư xác định cơ hội kiếm lời, cũng như rủi ro tiềm ẩn.

    Phân tích xu hướng là hoạt động nghiên cứu biến động lịch sử giá của một loại chứng khoán hoặc chỉ số để phán đoán hướng đi và sức mạnh của xu hướng. Phân tích này giúp người tham gia thị trường có những lựa chọn sáng suốt về thời điểm mua hoặc bán chứng khoán. Mức độ cần thiết của phân tích xu hướng trong giao dịch chứng khoán là không thể xem nhẹ. Dưới đây liệt kê một vài nguyên nhân bạn không nên phớt lờ công cụ này.

     Giúp phát hiện cơ hội kiếm lợi nhuận

    Phân tích xu hướng giúp nhà giao dịch tìm ra cơ hội tiềm năng trên thị trường. Bằng cách nghiên cứu lịch sử giá và các chỉ báo, nhà giao dịch có thể phán đoán sự biến chuyển trong tương lai để mua hoặc bán chứng khoán. Nếu thị trường đang theo xu hướng tăng, nhà đầu tư có thể tự tin mua thêm chứng khoán, và ngược lại, khi xác định xu hướng là giảm, nhà đầu tư nên bán chứng khoán để kỳ vọng mua lại ở giá thấp hơn.

     Giúp phát triển chiến lược giao dịch

    Việc hiểu được hướng đi của thị trường sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư vạch ra được kế hoạch hợp lý đối với khối lượng giao dịch, vị thế mua bán, thời điểm cắt lỗ - chốt lời, cũng như chọn loại chứng khoán để đầu tư. Đây là điều khả thi do xu hướng tăng hoặc giảm trên thị trường luôn ẩn chứa nhiều đặc điểm riêng để phân biệt. 

     Giúp quản lý cảm xúc

    Những phân tích mang tính logic sẽ luôn là biện pháp giúp nhà giao dịch hành động một cách lý trí hơn thay vì cảm xúc. Điều này giúp họ tránh chọn lựa phương án thiên về cảm tính như dựa trên sự sợ hãi hoặc tham lam. Đưa ra quyết định theo cảm xúc thường là nguồn gốc chính gây thua lỗ ở các nhà đầu tư.


    Theo sát hơn 400 thị trường tài chính trên sàn Mitrade

    2. Giải thích Uptrend là gì? Downtrend là gì?


    Hai xu hướng chính được nhìn thấy nhiều trong thị trường chứng khoán đó là Uptrend và Downtrend, vốn mang những đặc điểm giống và trái ngược nhau.

    • Uptrend

    Xu hướng tăng (Uptrend) được thiết lập khi giá của một loại chứng khoán hoặc chỉ số liên tục tăng lên trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này xảy ra khi nhu cầu đối với loại chứng khoán đó lớn hơn nguồn cung và đẩy giá tăng lên. Xu hướng tăng có đặc trưng là đường giá sẽ tạo ra các đỉnh sau đỉnh cao hơn và đáy sau cao hơn đáy trước trên biểu đồ, điều cho thấy xu hướng tổng thể đang đi lên.

    Một trường hợp thực tế về Uptrend là sự kiện bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990. Khi đó, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của hàng loạt doanh nghiệp công nghệ Mỹ tăng vọt, đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh. Ví dụ: giá cổ phiếu của Amazon đã tăng từ khoảng 0.25 USD/cổ phiếu năm 1997 lên hơn 5.5 USD/cổ phiếu năm 1999, một mức vô cùng ấn tượng. Các cổ phiếu công nghệ khác như Microsoft, Intel, Cisco cũng tạo xu hướng tăng tương tự ở thời điểm đó.

     

    Cổ phiếu Amazon (AMZN.US) tăng đến 20 lần trong thời kỳ bong bóng dot-com

    Cổ phiếu Amazon (AMZN.US) tăng đến 20 lần trong thời kỳ bong bóng dot-com (Nguồn: TradingView)


    Thêm ví dụ khác có thể được nhìn thấy vào năm 2020. Mặc dù đại dịch COVID-19 gây xáo trộn nền kinh tế, nhiều công ty như Amazon, Apple Tesla đã chứng kiến xu hướng tăng giá cổ phiếu mạnh mẽ. Điều này là do nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ tăng lên khi mọi người chuyển sang mua sắm trực tuyến và làm việc tại nhà ở thời điểm giãn cách xã hội.

    Trong cả hai ví dụ này, xu hướng tăng được thiết lập nhờ sự kết hợp giữa nhu cầu đột biến về sản phẩm và dịch vụ và tâm lý thị trường. Nếu nắm bắt kịp thời được xu hướng tăng này, các nhà đầu tư có thể sớm mua vào cổ phiếu và kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, xu hướng tăng rất khó đoán định và sẽ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian, do đó, điểm tất yếu là nhà giao dịch cần nhanh nhạy, quyết đoán và biết quản trị rủi ro.

    • Downtrend

    Xu hướng giảm (Downtrend) trong thị trường chứng khoán được thiết lập khi giá của một loại chứng khoán hoặc chỉ số liên tục đi xuống trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đó, nguồn cung cho loại chứng khoán này lớn hơn nhu cầu, tạo áp lực khiến giá giảm. Đặc trưng của xu hướng giảm là nó tạo ra đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước trên biểu đồ, tạo xu hướng đi xuống rõ rệt.

    Ví dụ: Xu hướng giảm có thể được nhìn thấy trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi nhiều tổ chức lâu đời như Lehman Brothers, Bear Stearns và Merrill Lynch có giá cổ phiếu xuống dốc không phanh do đầu tư thua lỗ vào những loại chứng khoán có tài sản thế chấp rủi ro. Giá cổ phiếu của những công ty này không ngừng phá đáy, với một số mất hơn 90% giá trị trước khi phải tuyên bố phá sản.

    Một ví dụ khác xảy ra gần đây trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành. Cổ phiếu của nhiều công ty trong lĩnh vực hãng hàng không, khách sạn và bán lẻ đã trải qua xu hướng trượt dốc do triển vọng kinh doanh kém khả quan. Với sự hạn chế đi lại, đóng cửa kinh doanh và cắt giảm chi tiêu, các công ty này đã hứng chịu sự sụt giảm đáng kể về nhu cầu sản phẩm, điều khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào tương lai công ty và gây ra giá cổ phiếu lao dốc.

     

    Cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVN) đi vào xu hướng giảm trong đại dịch COVID-19

    Cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVN) đi vào xu hướng giảm trong đại dịch COVID-19 (Nguồn TradingView)


    Ở cả hai ví dụ này, xu hướng giảm được hình thành nhờ sự kết hợp của các yếu tố như tâm lý thị trường, điều kiện kinh tế và đặc thù ngành của công ty. Nếu phán đoán được xu hướng giảm, các nhà giao dịch có thể bán khống chứng khoán để kiếm lợi nhuận từ việc giảm giá. Tuy nhiên, xu hướng giảm khó đoán trước thời điểm bắt đầu và kết thúc, do đó, điểm tất yếu là phải biết quản trị rủi ro và đưa ra lựa chọn đúng đắn theo phân tích thị trường.


    3. Những yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng thị trường Uptrend/Downtrend


    Xu hướng thị trường bị tác động bởi vô số yếu tố và nó đều có liên quan đến sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Hiểu được những yếu tố này là điều thiết yếu nhằm đưa ra hành động mua hoặc chứng khoán ở thời điểm thích hợp. Dưới đây liệt kê một số yếu tố chủ chốt có ảnh hưởng vào xu hướng chung:

     Diễn biến kinh tế: Những số liệu kinh tế như tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp là biến số ảnh hưởng đến xu hướng thị trường. Nền kinh tế phát triển nhanh có thể tạo ra một xu hướng tăng vì các công ty đều đang tăng gia sản xuất. Trái lại, khi bóng đen suy thoái bao phủ kinh tế, xu hướng giảm có thể xuất hiện vì khi đó nhu cầu hàng hóa sẽ giảm, buộc các công ty hạ thấp sản lượng của mình.

    Ngoài ra, lãi suất điều hành cũng có ảnh hưởng nhiều mặt đến xu hướng tăng và giảm trong thị trường tài chính. Nhìn chung, việc tăng lãi suất có sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và có thể dẫn đến suy thoái, hay nói cách khác là tạo ra xu hướng giảm đối với thị trường. Ngược lại, khi lãi suất điều hành giảm, nên kinh tế sẽ được kích thích tăng trưởng và dẫn đến xu hướng tăng của cổ phiếu, trái phiếu và nhiều loại tài sản khác.

     Sự kiện chính trị: Các biến động chính trị như bầu cử, thay đổi chính sách và quan hệ quốc tế sẽ ảnh hưởng đến xu hướng thị trường. Chẳng hạn, khi chính phủ đề ra các chính sách có lợi cho doanh nghiệp, điều này có thể khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn vào triển vọng của công ty và dẫn đến xu hướng tăng. Ngược lại, nếu có bất ổn chính trị hoặc chính sách bất lợi, công ty sẽ khó phát triển và từ đó tạo ra xu hướng giảm trong giá cổ phiếu.

     Nội tại công ty: Các yếu tố đến từ nội bộ công ty như khả năng sinh lời, chính sách quản lý, vấn đề mua bán - sáp nhập có thể tác động đến xu hướng thị trường. Khi công ty báo cáo thu nhập cao, nó sẽ tạo ra sự lạc quan với nhà đầu tư và tạo ra xu hướng tăng cho giá cổ phiếu. Ngược lại, nếu một công ty không chứng minh được khả năng sinh lời, các nhà đầu tư sẽ bán đi cổ phiếu vì không nhìn thấy tiềm năng, từ đó tạo ra xu hướng giảm.

     Các sự kiện bất ngờ như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh: Các thảm họa thiên nhiên như bão, động đất và đại dịch có thể tác động đến xu hướng thị trường. Dịch bệnh bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất hàng hóa, có thể dẫn đến sẽ dẫn đến chi phí tăng cao và dẫn đến xu hướng giảm. Tuy nhiên, đại dịch lại có lợi cho ngành y tế sức khỏe và công nghệ, tạo nên xu hướng tăng cho các công ty trong các lĩnh vực đó.


    4. Cách nhận biết thị trường Uptrend/Downtrend



    Uptrend

    Downtrend

    Tâm lý nhà đầu tư

    Tốt, kỳ vọng giá tiếp tục tăng

    Xấu, kỳ vọng giá giảm

     Đường Trendline

    Hướng lên

    Hướng xuống

    Các chỉ báo

    MA: Giá cao hơn MA

    RSI: Cao

    MACD: Trên đường tín hiệu

    Mây Ichimoku: Giá nằm trên mây

    MA: Giá thấp hơn MA

    RSI: Thấp

    MACD: Dưới đường tín hiệu

    Mây Ichimoku: Giá nằm dưới mây

    Khối lượng giao dịch

    Thường cao hơn

    Thường thấp hơn

    Giá chạm các mốc kháng cự/hỗ trợ

    Giá tăng vượt mốc kháng cự

    Giá giảm thủng mốc hỗ trợ

    (Nguồn: Được sắp xếp bởi Mitrade)


    • Tâm lý nhà đầu tư

    Tâm lý của nhà đầu tư có thể biến đổi rõ rệt phụ thuộc thị trường đang trải qua xu hướng tăng hay giảm. Ở thời gian xu hướng tăng, các nhà đầu tư thường cảm thấy lạc quan và tự tin về thị trường. Họ có thể cảm thấy hưng phấn khi chứng kiến khoản đầu tư của mình tăng giá trị và tiếp tục mua vào chứng khoán.  Kết quả là, nó sẽ tạo ra một vòng lặp tích cực, qua đó giúp nhu cầu về chứng khoán tăng lên, khiến giá tăng hơn nữa. 

    Trái lại, trong một xu hướng giảm, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy lo lắng và sợ hãi về thị trường vì thấy các khoản đầu tư của mình không ngừng mất giá. Điều này dẫn đến họ sẽ bán chứng khoán đang nắm giữ để tránh thua lỗ, khiến giá giảm mạnh. Việc giá giảm lại càng khiến các nhà đầu tư khác thanh lý tiếp chứng khoán, cứ như vậy, tạo ra một vòng lặp khiến giá ngày càng giảm sâu.

    • Đường Trendlines

    Trong xu hướng tăng, bạn có thể vẽ một đường chéo nối các mức đáy ngắn hạn của giá chứng khoán trên biểu đồ. Nếu đường này sẽ dốc lên, cho thấy xu hướng đang di chuyển theo hướng đi lên. Ngoài ra, có thể vẽ một đường song song nối các đỉnh ngắn hạn trên biểu đồ với trạng thái dốc lên tương tự. Khu vực giữa hai đường này đại diện cho kênh xu hướng tăng. Nếu giá chứng khoán luôn nằm trong kênh này thì có nghĩa là nó vẫn duy trì được xu hướng tăng.

    Ngược lại, bạn có thể xác định xu hướng giảm bằng việc kẻ 2 đường song song nối các đỉnh và đáy ngắn hạn của giá chứng khoán trên biểu đồ. Đường này dốc xuống cho thấy xu hướng đang di chuyển theo hướng đi xuống. Nếu giá chứng khoán luôn nằm trong khoảng di chuyển này thì có nghĩa nó là giá vẫn đang trong kênh giảm.

    • Các chỉ báo như đường trung bình động MA/ đường MACD/RSI/Mây Ichimoku

    Các chỉ báo là công cụ hữu dụng cho phép nhà đầu tư tìm ra xu hướng trên thị trường chứng khoán. Dưới đây là một số chỉ báo hữu hiệu và phổ biến có thể sử dụng cho tham khảo.

    ◆ Đường trung bình động (MA): Trong một xu hướng tăng, giá chứng khoán có thể cao hơn mức trung bình động của nó, đó là dấu hiệu về việc tâm lý thị trường đang hưng phấn. Ngược lại, trong xu hướng giảm, giá chứng khoán có khả năng thấp hơn mức trung bình động của nó, một dấu hiệu về tâm lý thị trường bi quan.

     

    Ví dụ cổ phiếu TCB, đường MA20 thường nằm trên giá trong xu hướng giảm và nằm dưới trong xu hướng tăng mạnh

    Ví dụ cổ phiếu TCB, đường MA20 thường nằm trên giá trong xu hướng giảm và nằm dưới trong xu hướng tăng mạnh (Nguồn: Tradingview)


    ◆ Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI): Chỉ số này đo lường sức mạnh hành động giá chứng khoán. Trong xu hướng tăng, chỉ số RSI có khả năng cao hơn 50, cho thấy chứng khoán đang được mua vào mạnh. Ngược lại, trong xu hướng giảm, chỉ số RSI có thể nằm dưới 50, biểu hiện rằng loại chứng khoán này đang trong tình trạng bị bán.

     

    Trong thời kỳ tăng mạnh hồi đầu năm 2022, cổ phiếu TCB luôn có mức RSI lớn hơn 50

    Trong thời kỳ tăng mạnh hồi đầu năm 2022, cổ phiếu TCB luôn có mức RSI lớn hơn 50 (Nguồn: TradingView)


    ◆  Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD): Chỉ báo kỹ thuật này đo lường sự khác biệt giữa hai đường trung bình động. Ở xu hướng tăng, đường MACD có khả năng nằm trên đường tín hiệu, cho thấy phe mua đang áp đảo. Ngược lại, trong xu hướng giảm, đường MACD có thể nằm dưới đường tín hiệu, cho thấy phe bán chiếm ưu thế.

     

    Khi giá cổ phiếu TCB tăng mạnh, đường MACD (màu xanh) thường nằm trên đường tín hiệu (màu cam)

    Khi giá cổ phiếu TCB tăng mạnh, đường MACD (màu xanh) thường nằm trên đường tín hiệu (màu cam) (Nguồn: TradingView)


    ◆ Mây Ichimoku: Mây Ichimoku là một chỉ báo xu hướng được sử dụng phổ biến và dễ theo dõi. Khi giá ở trên đám mây, nó là dấu hiệu về một xu hướng tăng, trong khi giá ở dưới đám mây, nó được nhìn nhận là thị trường đang ở xu hướng giảm.

     

    Trong chu kỳ tăng năm 2021, giá cổ phiếu TCB thường nằm trên đám mây Ichimoku và ngược lại, giá đang nằm dưới mây Ichimoku trong năm 2022

    Trong chu kỳ tăng năm 2021, giá cổ phiếu TCB thường nằm trên đám mây Ichimoku và ngược lại, giá đang nằm dưới mây Ichimoku trong năm 2022 (Nguồn: TradingView)


    • Khối lượng giao dịch: 

    Trong xu hướng tăng, khối lượng giao dịch thường lớn do người mua có tâm lý tích cực và sẵn sàng mua chứng khoán với giá cao hơn vì sợ mất cơ hội. Khi xu hướng tăng tiếp diễn, ngày càng nhiều nhà giao dịch muốn tham gia thị trường, điều này tiếp tục đẩy khối lượng giao dịch lên cao.

    Ngược lại, trong xu hướng giảm, khối lượng giao dịch thường giảm khi giá của chứng khoán giảm. Điều này là do ít người quan tâm đến việc mua chứng khoán và người đang nắm giữ thì tìm cách giảm bớt lượng chứng khoán của họ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khối lượng giao dịch có thể dao động vì nhiều lý do và không phải lúc nào nó cũng là một chỉ báo đáng tin cậy về hướng đi của thị trường.

    • Giá khi chạm các mốc kháng cự/hỗ trợ

    Khi thị trường bước vào xu hướng tăng, giá có thể trải qua những đợt điều chỉnh khi đạt đỉnh, tuy nhiên, đây có thể là cơ hội để mua tài sản ở mức giá thấp hơn và trước khi tham gia vào xu hướng tăng tiếp theo. Ngoài ra, giá cũng có thể đột phá qua các mức kháng cự quan trọng khi tiếp tục tăng, điều là tín hiệu của đà tăng mạnh và cơ hội tốt để mua tài sản.

    Cổ phiếu Tesla (TSLA.US) liên tục phá vỡ các mốc kháng cự để lập đỉnh mới trong năm 2020 và 2021

     

    Cổ phiếu Tesla (TSLA.US) liên tục phá vỡ các mốc kháng cự để lập đỉnh mới trong năm 2020 và 2021 (Nguồn: Tradingview)


    Trong khi đó, ở xu hướng giảm, giá có thể bật lên khi rơi xuống điểm hỗ trợ, đây có thể là cơ hội để bán tài sản với giá cao hơn trước khi xu hướng giảm tiếp tục. Nếu xu hướng giảm quá mạnh, giá có thể phá vỡ cả vùng hỗ trợ này, báo hiệu của đà giảm giá mạnh hơn và nhà giao dịch nên cân nhắc bán tài sản của mình.

     

    Cổ phiếu Meta Platform (META.US) rơi khỏi vùng hỗ trợ 300 USD vào đầu năm 2022 và bắt đầu một xu hướng giảm

    Cổ phiếu Meta Platform (META.US) rơi khỏi vùng hỗ trợ 300 USD vào đầu năm 2022 và bắt đầu một xu hướng giảm (Nguồn: Tradingview)


    5. Lưu ý với nhà đầu tư trong thị trường Uptrend/Downtrend


    • Uptrend

    ֎ Đừng đuổi theo thị trường: Thông thường, nếu thị trường trong xu hướng tăng mạnh, nhà giao dịch sẽ muốn nhảy vào mua chứng khoán với giá cao, tuy nhiên, đây là hành động chứa nhiều rủi ro. Thay vào đó, hãy tìm những đợt điều chỉnh trong xu hướng tăng để mua chứng khoán ở mức giá thấp hơn. Đây là điều sẽ giúp nhà đầu tư có được điểm vào hợp lý và tối đa hóa lợi nhuận tiềm năng.

    ֎ Quản lý rủi ro: Ngay cả trong xu hướng tăng, luôn có nguy cơ thị trường đảo chiều đột ngột. Chia vốn giao dịch hợp lý, áp dụng lệnh cắt lỗ và các chiến lược quản lý rủi ro khác để bảo vệ khoản đầu tư là điều tất yếu. Đây là biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế thua lỗ và bảo toàn vốn khi xảy ra những biến động bất ngờ về giá.

    ֎ Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Việc bỏ trứng vào một giỏ là điều không nên mà thay vào đó, cần phong phú hóa danh mục theo các lĩnh vực và loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro và tạo ra mức lợi nhuận ổn định. 

    ֎ Theo dõi tin tức: Diễn biến thị trường có thể thay đổi nhanh chóng, vì vậy, cần phải cập nhật thông tin về các sự kiện kinh tế và chính trị có thể tác động đến thị trường như lãi suất, lạm phát và số liệu việc làm. Đây là dữ liệu đầu vào để bạn dự đoán các biến động của thị trường và đưa ra quyết định sáng suốt.

    ֎ Chốt lời hợp lý: Xu hướng tăng tạo ra cảm giác lạc quan và hưng phấn cho những người có lời. Tuy nhiên, điều này thường có thể dẫn đến sự tự tin thái quá và miễn cưỡng bán ra, ngay cả khi thị trường có dấu hiệu suy yếu.

    Bằng cách chốt lời, các nhà đầu tư sẽ khóa được lợi nhuận của mình trước khi thị trường có khả năng đảo chiều. Nó cũng tạo ra cơ hội tái đầu tư khoản lợi nhuận đó vào các cơ hội khác hoặc mua lại tài sản với giá thấp hơn khi thị trường điều chỉnh. Ngoài ra, chốt lời cũng giúp các nhà đầu tư hạn chế mức độ rủi ro và bảo vệ vốn của mình. Đây là hành động duy trì kỷ luật và ngăn chặn việc ra quyết định theo cảm tính, điều thường dẫn đến sai lầm.

    Mở Tài Khoản Demo Mở Tài Khoản Thật 


    • Downtrend

    ֎ Tránh bắt dao rơi: Trong xu hướng giảm, việc mua được tài sản ở mức giá thấp có thể rất hấp dẫn, mặc dù vậy, hành động này cần thực hiện với chiến thuật thận trọng và tránh bắt dao đang rơi. Nhà giao dịch nên chờ cho thị trường ổn định và tìm kiếm các dấu hiệu đảo chiều trước khi đưa ra bất kỳ lựa chọn đầu tư nào.

    ֎ Hạn chế rủi ro: Xu hướng giảm có thể diễn ra bất ngờ và kéo dài rất lâu, vì vậy, nhà giao dịch cần sử dụng chiến lược hạn chế rủi ro để bảo vệ tài sản của mình như chia vốn hợp lý, phân bổ tài sản, cắt lỗ đúng lúc và các công cụ quản trị rủi ro khác.

    Một chiến lược hiệu quả để quản trị rủi ro trong xu hướng giảm là xác định trước mức cắt lỗ đối với mỗi khoản đầu tư. Việc cắt lỗ trong xu hướng giảm là rất quan trọng vì nó giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn và tránh rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Nó cũng tạo cho nhà đầu tư duy trì tâm lý thoải mái, không bị ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc khi chứng kiến cổ phiếu liên tục mất giá.

    ֎ Tìm kiếm cơ hội: Mặc dù xu hướng giảm tạo ra thử thách lớn đối với các nhà đầu tư, nhưng nó cũng mang đến cơ hội. Tìm kiếm và tập trung thu mua những tài sản bị định giá thấp và chất lượng cao với nền cơ bản vững chắc sẽ là phương án tốt trong giai đoạn này. Thậm chí ngay cả khi thị trường chung đang bước vào xu hướng giảm, vẫn sẽ có loại chứng khoán đi ngược dòng nhờ được hưởng lợi.

    ֎ Kiên nhẫn và hướng đến mục tiêu dài hạn: Xu hướng giảm có thể kéo dài, vì vậy điều cần làm là phải kiên nhẫn, giữ vững tâm lý và hướng tới mục tiêu dài hạn. Nhà đầu tư tránh đưa ra các quyết định bốc đồng dựa trên các biến động thị trường ngắn hạn.


    6. Ứng dụng của xác định xu hướng Uptrend/Downtrend trong giao dịch


    ⁃ Hỗ trợ phân tích kỹ thuật

    Phân tích xu hướng là một công cụ tuyệt vời để hỗ trợ phân tích kỹ thuật, vốn ẩn chứa việc tối ưu các biểu đồ và chỉ báo kỹ thuật để dự báo thay đổi về giá trong tương lai của chứng khoán. Nó giúp các nhà giao dịch tìm ra hướng đi của thị trường và cung cấp bối cảnh cho phân tích kỹ thuật.

    Nếu xu hướng chính là tăng, các nhà giao dịch có thể sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định các tín hiệu mua, chẳng hạn như các mẫu biểu đồ tăng giá, các chỉ báo bán quá mức hoặc các mức hỗ trợ chính. Trái lại, nếu xu hướng chính là giảm, các nhà giao dịch có thể tận dụng phân tích kỹ thuật để xác định các tín hiệu bán, chẳng hạn như các mẫu biểu đồ giảm giá, chỉ báo mua quá mức hoặc các mức kháng cự chính.

    Biểu đồ dưới đây là một ví dụ để xác định điểm vào dựa trên phân tích xu hướng và phân tích kỹ thuật. Đầu tiên, chúng ta có thể thấy cổ phiếu Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đang trong xu hướng tăng do giá được vẫn đi trong kênh tăng được tạo ra bởi hai đường trendline (màu vàng). Khi giá đã vượt đỉnh và có chiều hướng điều chỉnh, vùng đỉnh này khi đó sẽ đóng vai trò như điểm hỗ trợ giá để tiếp tục bật tăng tiếp.

    Cùng với những yếu tố xác định xu hướng tăng như giá đang tạo nền trên vùng MA20 và RSI ở mức cao (trên 60), đây có thể coi là một cơ hội tốt để mua vào. Vùng chốt lời sẽ là cận trên của đường trendline do giá thường có khả năng điều chỉnh ở khu vực này. Trong khi đó, điểm cắt lỗ là cạnh dưới của đường trendline. Nếu đường giá chạy đúng như kế hoạch, nhà giao dịch có thể lời 12%, trong khi nếu giá chạm mốc cắt lỗ, họ sẽ mất đi 6%.

     

    Biểu đồ cổ phiếu SHS

    Biểu đồ cổ phiếu SHS (Nguồn: TradingView)


    ⁃ Định hình chiến lược giao dịch

    Phân tích xu hướng giúp định hình chiến lược giao dịch hợp lý do chiến lược có thể khác nhau đáng kể khi thị trường ở hai xu hướng tăng và giảm. Trong xu hướng tăng, các nhà giao dịch đang tìm cách mua ở mức giá thấp và bán ở mức giá cao hơn, trong khi ở xu hướng giảm, nhà giao dịch sẽ tìm cách bán ở mức giá cao và mua ở mức giá thấp hơn. 

    Về vị trí cắt lỗ, trong xu hướng tăng, các nhà giao dịch thường sẽ đặt lệnh cắt lỗ bên dưới mức hỗ trợ chính hoặc bên dưới đường xu hướng. Trong khi ở xu hướng giảm, các nhà giao dịch thường sẽ đặt lệnh cắt lỗ trên các mức kháng cự chính hoặc trên đường xu hướng.

    Về loại chứng khoán, khi thị trường giảm, nhà đầu tư sẽ thường có thiên hướng chọn chứng khoán có tính chất phòng thủ, ví dụ như những cổ phiếu công ty hoạt động trong các ngành thiết yếu, có tình hình kinh doanh ổn định. Trong khi đó, khi thị trường tăng, nhiều nhà đầu tư sẽ chọn chuyển hướng sang các loại chứng khoản rủi ro và vốn hóa nhỏ, do nó tiềm lực tăng trưởng lớn hơn. Đó là chiến lược giao dịch được định hình dựa theo mức độ rủi ro và lợi nhuận đem lại. 


    7. Những sai lầm phổ biến khi phân tích Uptrend/Downtrend trong giao dịch


    Mặc dù phân tích xu hướng có thể là một công cụ mạnh mẽ trong giao dịch, nhưng nhà đầu tư có thể vẫn vấp phải những sai lầm cơ bản khi sử dụng nó. Dưới đây là một số lỗi thường gặp có thể kể đến như:

    ۝Không nhìn bức tranh toàn cảnh: Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất mà các nhà giao dịch mắc phải khi sử dụng phân tích xu hướng. Họ có thể bị cuốn vào các xu hướng ngắn hạn và bỏ lỡ bức tranh lớn hơn. Điều quan trọng là phải kiểm tra xu hướng dài hạn trước khi nhìn vào khung thời gian nhỏ hơn để đưa ra lựa chọn hợp lý.

    ۝Không cài đặt lệnh cắt lỗ: Lệnh cắt lỗ là công cụ quản lý rủi ro quan trọng có thể giúp các nhà giao dịch giảm thiểu thua lỗ và bảo vệ vốn của họ. Nếu quyết định giao dịch ngược xu hướng, kế hoạch cắt lỗ là yếu tố quan trọng hơn nữa.

    ۝Thích nghi kém với biến động thị trường: Xu hướng có thể thay đổi nhanh chóng và thậm chí thường xuyên rất mù mờ, do đó, các nhà giao dịch cần sẵn sàng biến đổi chiến lược của họ cho tối ưu. Điều quan trọng là phải theo dõi thị trường và đưa ra sự tinh chỉnh chiến lược khi cần thiết.

    8. Lời kết


    Phân tích xu hướng là một công cụ mạnh được sử dụng trong giao dịch để xác định hướng xu hướng thị trường theo thời gian và từ đó, đưa ra các quyết định giao dịch sáng suốt. Việc phân tích kỹ lưỡng giúp nhà đầu tư tìm ra điểm mua - bán, đặt lệnh cắt lỗ và quản lý rủi ro, từ đó đẩy cao cơ hội thành công trên thị trường.

    Mặc dù vậy, để có khả năng giao dịch hiệu quả và kiếm được lợi nhuận, các nhà giao dịch cũng không nên dựa dẫm quá nhiều vào phân tích xu hướng mà phải nhìn bức tranh tổng thể, chú ý thêm các loại chỉ báo và phân tích khác, đồng thời sẵn sàng biến đổi chiến lược trước sự rung lắc của thị trường.

    ▌ Các bài liên quan đến [giao dịch chứng khoán]



    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad